Chủ động nhiều phương án ứng phó với biến đổi khí hậu
(BDO) Đứng trước tình trạng trái đất đang có xu hướng nóng lên khiến mực nước biển dâng cao, lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ động phối hợp với các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, kịch bản và phương án hành động. Trong đó, tỉnh lựa chọn phương án tích cực cải tạo môi trường sống song hành cùng các chiến dịch gia tăng mảng xanh đô thị và mảng xanh lâm nghiệp.
Chiến dịch trồng cây, tăng cường phủ xanh đô thị và nông thôn đang trở thành chương trình hành động ý nghĩa và lan tỏa sâu rộng ở các địa phương trong tỉnh
Cải tạo môi trường sống
Nhìn lại hành trình 25 năm phát triển từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương với ý chí, khát vọng vươn cao đang trở thành nền kinh tế thuộc top đầu của cả nước. Có thể khẳng định, mô hình kinh tế chủ lực giúp tỉnh nhà đạt được những thành quả ấn tượng là các khu, cụm công nghiệp tập trung với sự đầu tư của hàng chục ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự gia tăng mạnh số lượng và quy mô hoạt động của các khu, cụm công nghiệp đã giúp Bình Dương chinh phục những mục tiêu lớn về kinh tế - xã hội, song cũng mang lại hệ lụy đáng nói về các vấn đề môi trường.
Ý thức được môi trường sống là yếu tố quyết định mang tính sống còn đối với một vùng đất, từ nhiều năm nay các thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà đã quan tâm chỉ đạo xây dựng các phương án, chương trình hành động đột phá để cải thiện, cải tạo môi trường sống. Cụ thể, tỉnh chia nhiệm vụ cải thiện, cải tạo, gìn giữ môi trường sống trên địa bàn làm hai khu vực, gồm khu vực đô thị công nghiệp - dịch vụ phát triển ở phía nam và khu vực nông thôn phía bắc. Với đặc thù riêng, hai khu vực được các địa phương tổ chức các chương trình hành động khác nhau, từng bước kết nối và tạo thành những mảnh ghép thành công trong hoạt động bảo vệ và gìn giữ môi trường sống.
Kết quả thanh, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường của Sở TN&MT những năm qua cho thấy, số lượng các tập thể, cá nhân vi phạm các nội dung về bảo vệ môi trường đã giảm đáng kể. Những khu vực vốn dĩ nhạy cảm với các yếu tố môi trường ở các địa phương phía nam như TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một… cũng dần đạt được chỉ số lý tưởng về công tác bảo vệ môi trường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây người dân ở một số khu vực dân cư vùng ven khu, cụm công nghiệp ở TP.Thuận An, TP.Dĩ An thường xuyên có phản ánh các vấn đề liên quan đến môi trường (nước thải, khí thải và ô nhiễm tiếng ồn), nhưng khoảng 5 năm trở lại đây tình trạng này đã được kiểm soát khá tốt.
Cùng với việc tăng cường các biện pháp chế tài đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, thời gian qua tỉnh còn triển khai hệ thống quan trắc tự động môi trường nước để kịp thời phát hiện và nhắc nhở các doanh nghiệp. Thông qua hệ thống quan trắc tự động tại khu vực máy chủ, cán bộ ngành TN&MT có thể nắm bắt, kiểm soát lưu lượng, chất lượng các loại nước thải. Đây được đánh giá là biện pháp chủ động phòng ngừa các nguy cơ xả thải nguy hại tốt nhất hiện nay.
Mở rộng mảng xanh
Nhiều năm qua, tỉnh đã giao Sở TN&MT phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng và các ban ngành, địa phương tích cực trồng cây ở các tuyến đường đô thị, đường nông thôn và gia tăng tỷ lệ phủ xanh ở khu vực đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Đến nay, tỷ lệ phủ xanh đô thị và nông thôn của tỉnh đã vượt mức 57%, một con số lý tưởng và đáng mong đợi của nhiều tỉnh, thành.
Đối với các huyện, thị, thành phố là đô thị công nghiệp - dịch vụ ở khu vực phía nam, tỉnh giao ngành chức năng và địa phương phối hợp nghiên cứu, quy hoạch đồng bộ phương án phủ xanh các tuyến đường. Qua thời gian thực hiện, công tác phủ xanh các tuyến đường cơ bản được hoàn thiện ở mức khá. Một số tuyến đường đang trong diện quy hoạch nâng cấp, mở rộng, tạm thời chưa được trồng cây ở hai bên đường, dù vậy trong kế hoạch phát triển đô thị của các địa phương đều đã lên phương án chi tiết, cụ thể.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết cùng với kế hoạch phủ xanh các tuyến đường đô thị, thời gian tới sở sẽ tiếp tục giao các phòng ban, đơn vị chuyên môn khảo sát, rà soát các yếu tố kỹ thuật về môi trường ở các huyện, thị vùng ven. Trên cơ sở khoa học thu thập được, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh phương án chủ động bảo vệ, gìn giữ môi trường sống song hành với chiến dịch tăng cường phủ xanh nông thôn. Đại diện Sở TN&MT cho biết đây sẽ là giải pháp mang tính căn cơ giúp tỉnh nhà sớm hình thành những vùng xanh an toàn, là lá phổi chung của Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thời gian tới sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phủ xanh lâm nghiệp ở những khu vực quy hoạch phát triển rừng. Những khu vực rừng giao khoán cũng sẽ được lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm mặt đất luôn được phủ xanh, góp phần chủ động xây dựng phương án ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Cùng với kế hoạch phủ xanh các tuyến đường đô thị, thời gian tới sở sẽ tiếp tục giao các phòng ban, đơn vị chuyên môn khảo sát, rà soát các yếu tố kỹ thuật về môi trường ở các huyện, thị vùng ven. Trên cơ sở khoa học thu thập được, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh phương án chủ động bảo vệ, gìn giữ môi trường sống song hành với chiến dịch tăng cường phủ xanh nông thôn”. (Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN&MT) |
ĐÌNH THẮNG