Chủ động nhận diện thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

Thứ ba, ngày 18/07/2023

(BDO)

Để người dân chủ động phát hiện các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức. Ảnh: PX03- CABD

Dùng trí tuệ nhân tạo để lừa đảo

Phổ biến nhất hiện nay là thủ đoạn đối tượng gửi thông báo xử phạt nguội về giao thông, giả mạo các trang thông tin điện tử, giả mạo doanh nghiệp tuyển dụng cộng tác viên, giả mạo ngân hàng, nhà mạng, các cơ quan tố tụng… nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân. Trong đó, đáng chú ý là thủ đoạn lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.

Theo thống kê từ Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, gồm: Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; lừa đảo tuyển người mẫu nhí…

Nói về thủ đoạn lừa đảo bằng cuộc gọi video Deepfake, Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, cho biết Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

“Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Dấu hiệu nhận biết là thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây; khuôn mặt thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói, hoặc tư thế trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán với nhau… Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh. Có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh, bị ngắt giữa chừng… Đối tượng yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi”, Thượng tá Hồ Thọ Hải cho biết.

Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trước thủ đoạn của các loại tội phạm. Ảnh: PX03

Cũng theo khuyến cáo của Công an tỉnh, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi. Trong đó, đối tượng lừa đảo nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng… Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau thì kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau. Mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Theo thống kê từ Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng ở Việt Nam.

“Chiêu lừa” nhắm vào khách du lịch

Theo Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, hiện đang là mùa hè, mùa cao điểm du lịch nên các đối tượng xấu đăng nhiều bài viết quảng cáo dịch vụ làm Visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được Visa. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ, sau đó lấy lýdo nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Một thủ đoạn khác cũng rất tinh vi được ghi nhận trong thời gian gần đây là thủ đoạn làm giả/ chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, sau đó liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè nói đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Ngoài ra, chúng còn mạo danh các đại lýbán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lýchính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Song song đó, liên quan đến chiêu lừa “combo du lịch giá rẻ”, thủ đoạn thường gặp là các đối tượng đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, người dân không cung cấp OTP hoặc thông tin đăng nhập cho bất kỳ ai, kể cả người quen; sử dụng Smart OTP để hoàn thành giao dịch; bật tính năng báo vị trí đăng nhập từ thiết bị lạ. Nên chọn cho mình những ngân hàng có các chứng chỉ an toàn trong giao dịch điện tử. Nên sử dụng ứng dụng Mobile do ngân hàng phát hành để giao dịch. Không cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc tránh bị kiểm soát thiết bị. Hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị thu thập sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật. Thường xuyên đổi mật khẩu đăng nhập và đặt mật khẩu mạnh…

Do có nhu cầu đi du lịch, chị L.T.T. (SN 1988, ngụ phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) lên mạng tìm kiếm thông tin các khách sạn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi liên hệ một trang chuyên kết nối khách du lịch thuê khách sạn, chị T. đặt một căn villa rất đẹp và đồng ý chuyển khoản 1/4 phí thuê. Tuy nhiên, khi cả nhà chị T. đến địa chỉ nơi có căn villa trên thì phát hiện nơi này không một bóng người. Chị T. gọi vào số điện thoại chủ tài khoản trên mạng xã hội Facebook mà mình đã trao đổi thì không liên lạc được.
Được biết, hiện nay thủ đoạn này khá phổ biến. Cơ quan công an cảnh báo khách du lịch nên thận trọng vì các đối tượng thường lấy hình ảnh của một số villa nghỉ dưỡng để gửi cho khách nhằm chào mời, giới thiệu các dịch vụ để chiếm đoạt tiền cọc của nạn nhân.

TÂM TRANG