Chủ động ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước

Thứ năm, ngày 14/10/2021

(BDO) Trước tình hình các nguồn nước mặt và nước ngầm ở các khu vực phía Nam của tỉnh có xu hướng bị ô nhiễm, từ năm 2011 tỉnh đã giao Sở TN&MT thực hiện đề án “Xác định nguyên nhân, phạm vi, mức độ ô nhiễm nước ngầm tầng Pleistocen, khu vực An Phú - TP.Thuận An - tỉnh Bình Dương”. Trên cơ sở kết quả khảo sát, điều tra thực tế, tỉnh đã ban hành Văn bản số 1224/ UBND-KTN về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nước ngầm tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Sau khi văn bản nói trên được ban hành, ngành chức năng và địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt trong việc tái thiết, gìn giữ nguồn nước mặt và nước ngầm sạch trên địa bàn.

Đến năm 2017, tỉnh tiếp tục thực hiện đề án “Điều tra đánh giá nguyên nhân, mức độ ô nhiễm nước dưới đất và nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp xử lý”. Đề án này được giới chuyên môn đánh giá là một trong những luận cứ khoa học giúp tỉnh nhà xác định nguyên nhân, cơ chế gây ô nhiễm các tầng chứa nước và đề xuất giải pháp quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

 Ngoài ra, để kịp thời phát hiện nguy cơ ô nhiễm, suy thoái tài nguyên nước, thời gian qua tỉnh đã xây dựng mạng lưới quan trắc nước mặt và nước dưới đất với số điểm quan trắc ngày càng tăng. Đối với nước dưới đất có 55 công trình quan trắc, trong đó có 28 công trình quan trắc thủ công và 27 công trình quan trắc tự động. Đối với nước mặt, tỉnh bố trí 34 điểm quan trắc trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé, Thị Tính và tại các kênh, rạch đổ vào các sông suối trên. Điểm quan trắc chất lượng môi trường nước được bố trí chủ yếu tại những khu vực có nguy cơ ô nhiễm do nước thải công nghiệp. Từ những trạm quan trắc này, đã có thêm những dữ liệu thực tế, góp phần đưa ra các cảnh báo, dự báo phục vụ công tác quản lý hiệu quả.

KHÁNH LINH