Chủ động nắm bắt cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Kỳ 7
Kỳ 7: Vượt qua thách thức
(BDO)
Cộng đồng doanh nghiêp tại Bình Dương đang rất háo hức đón nhận cơ hội mới từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đem lại. Các ngành hàng chủ lực của Bình Dương như da giày, may mặc, điện tử, gỗ… cũng sẽ phải gặp áp lực rất lớn. Giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, Việt Nam chuẩn bị đón chào cho sân chơi AEC, với một thị trường hàng hóa khổng lồ sẽ được định hình trong thời gian sớm nhất. Khi AEC có hiệu lực, việc hợp tác, giao thương, lưu thông hàng hóa của thị trường ASEAN sẽ trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn.
Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước, doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt qua thách thức để tham gia AEC thành công. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI
Thách thức cơ hội đan xen
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Văn phòng Luật sư Thiên Thanh (Hà Nội) cho biết, có thể hình dung việc hình thành AEC giống như một khu tập thể tự thương thuyết để sắp xếp, dọn dẹp lại nội bộ giữa các căn hộ bên trong khu. Từ đó, một nhà đầu tư thấy có thể dễ dàng tham gia hợp tác để cải tạo khu tập thể đó thành một khu chung cư cao cấp hay một khu thương mại dịch vụ hiện đại, với sự đồng thuận, nhất trí của các hộ dân bên trong. Tuy nhiên, sự nhất trí biến khu tập thể thành một mặt bằng hiện đại, tiện ích hơn có thể không đem lại cho các hộ gia đình những cơ hội giống hệt nhau. Hộ gia đình nào có nền tảng tốt hơn, linh hoạt và nhạy bén hơn sẽ là hộ thu được lợi ích lớn nhất từ những cơ hội mới. Còn những hộ gia đình chậm chạp, kém nhạy bén có thể về mức tuyệt đối vẫn được cải thiện nhưng sẽ phát hiện thấy mình “nghèo” đi một cách tương đối so với những hộ nhóm kia.
Đối với các doanh nghiệp của Bình Dương, nhiều năm qua hầu như vẫn chú trọng đến thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu nhiều hơn, cần có sự thay đổi để tiếp cận những cơ hội từ các đối tác trong nội khối ASEAN. Thực tế cho thấy, giao thương thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn chưa phát huy tối đa những lợi thế sẵn có. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước vẫn chủ yếu là nông sản như gạo, cao su, cà phê… |
Các chuyên gia phân tích, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho năm 2014-2015 ở mức rất thấp và ít có cải thiện từ nhiều năm nay. Nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, công nghệ hóa thông tin lưu trữ nhằm giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian trong việc thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhưng sân chơi chính vẫn thuộc về chính bản thân doanh nghiệp. Vai trò điều hành Nhà nước chỉ ở mức thay đổi cơ chế chính sách, đơn giản thủ tục hành chính… phù hợp với những cam kết đối với AEC. Chính vì thế, vai trò của doanh nghiệp là rất lớn trong việc gìn giữ thị trường nội địa và phát huy vai trò xuất khẩu trong khu vực.
Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, trong số các các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụtại thị trường Việt Nam, hàng xuất xứ từThái Lan đang đứng thứ hai, sau Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Điểm lợi thế trong cạnh tranh hàng hóa của Thái Lan là đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, Thái Lan cùng với nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Một báo cáo mới đây cho thấy, Việt Nam sẽ là một trong một số nước hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực so với các nước khác, do nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Báo cáo này cũng đưa ra dự báo về tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông - vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm. Với quyết tâm và nỗ lực, năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2025 so với mức năm 2010. |
Theo các chuyên gia, tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng gia tăng xu hướng sử dụng hàng hóa ngoại, chất lượng cao sẽ là thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước cần có cái nhìn tích cực hơn về lợi thế mà AEC đem lại. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, công nghệ hóa, hiện đại hóa trang thiết bị… để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng.
Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát (TX.Thuận An) chia sẻ, những doanh nghiệp có các bước chuẩn bị tốt đều có cái nhìn lạc quan nhiều hơn về AEC, họ coi đó là cơ hội hơn là thách thức. AEC sẽ đem lại nguồn hàng hóa lớn lưu thông nội khối giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, AEC còn giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao trình độ sản xuất… rất có lợi cho nền kinh tế Việt Nam, vốn lâu nay vẫn quen với lối sản xuất lạc hậu, gây nhiều tổn hại cho môi trường.
Một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, sự ra đời của AEC sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng GDP và việc làm tại Việt Nam. Đó là những lợi ích có thể thấy trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nên thay đổi tư duy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu chung của cả nước. AEC chính là cơ hội để nền kinh tế nước nhà phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Kỳ cuối: Doanh nghiệp Bình Dương chủ động trước AEC
PHÙNG HIẾU