Chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu
(BDO)
Hoạt động sản xuất tại Công ty Hiệp Long. Ảnh: TIỂU MY
Xuất khẩu tăng
Đối với ngành gỗ, đến thời điểm này nhiều DN đã có đơn hàng đến quý II-2020. Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành này ước đạt 548,5 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành dệt may của tỉnh 2 tháng qua ước đạt 462,6 triệu USD, tăng 7,2%; ngành giày da xuất khẩu ước đạt 462,6 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Hiệp Long (TP.Thuận An ), hiện thị trường xuất khẩu gỗ vẫn có nhiều cơ hội cho các DN trong nước, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, để xuất khẩu vào 2 thị trường này DN phải hiểu rõ về từng thị trường và vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật như: Bảo đảm truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn lao động và môi trường. DN vẫn phải nỗ lực để đổi mới tư duy cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm từng bước phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn.
Cũng theo ông Thanh, hiện nhiều DN ngành gỗ đang tích cực xúc tiến để mở rộng nhà máy, đầu tư công nghệ, hợp tác với đối tác để nâng chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất. Điều đáng mừng là các DN gỗ trên địa bàn tỉnh rất chú trọng xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm để mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn.
Tích cực tìm kiếm thị trường mới
Ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Phương Vy (TP. Thuận An), đánh giá năm 2020 cơ hội mở rộng thị trường cho các DN vẫn lớn. Tuy nhiên, để vươn ra biển lớn các DN cơ khí chính xác cần hợp tác chặt chẽ với đối tác bản xứ từ thăm dò thị trường đến sản xuất sản phẩm. Làm đúng chuẩn ngay từ đầu DN sẽ dễ thâm nhập vào các thị trường khó tính, nhất là thị trường châu Âu.
Đối với ngành dệt may, giày da đang gặp khó khăn về nguồn lao động và nguồn vốn để đầu tư công nghệ. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho rằng khó khăn lớn nhất của các DN thành viên hiện nay là thiếu hụt nguồn lao động. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng cung ứng cho các đối tác. Hiện các DN nhỏ và vừa cần có vốn để đầu tư công nghệ cao như robot, CNC để bù vào thiếu hụt lao động, nâng cao năng lực sản xuất.
Cùng quan điểm nói trên, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da Túi xách Bình Dương, cũng cho rằng việc áp dụng thành tựu công nghệ, những ứng dụng từ cách mạng công nghiệp 4.0 vừa giúp DN tạo ra sản phẩm tốt vừa thay thế được sức lao động nhờ tự động hóa. DN giày da rất cần được hỗ trợ vốn để đầu tư đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cũng như số lượng sản phẩm của khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nguồn cung nguyên liệu sẽ gặp khó khăn. Muốn đạt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu cả năm, các DN cần có kế hoạch chủ động tìm kiếm thị trường thay thế. Về phía ngành công thương sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ giao thương giữa các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi thế thương mại cho một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh.
TIỂU MY