Chủ động bảo vệ sản xuất trước mùa mưa bão
(BDO) Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2022 có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như mưa giông, bão, lũ, thời tiết thay đổi cực đoan… gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời cảnh báo, ứng phó trước các yếu tố bất lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, ổn định và duy trì hoạt động.
Thời gian qua, nhờ chủ động các biện pháp ứng phó mùa mưa lũ, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi công nghệ cao của trang trại Đoàn Thị Hay (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên)
Bảo đảm vệ sinh môi trường
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, mầm bệnh có thể theo nước mưa lan đi khắp nơi. Mưa càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy cơ càng cao. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại không được thực hiện tốt sẽ làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và có nguy cơ bùng phát.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, khuyến cáo các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, môi trường quanh chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi để vật nuôi được ở sạch. Định kỳ 1 tuần 1-2 lần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các chất sát trùng theo quy định. Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó. Đối với những vật nuôi có nhu cầu vận chuyển từ nơi này qua nơi khác cần thực hiện tốt quy trình, kiểm dịch vận chuyển để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đối với xác vật nuôi chết, phương pháp hiệu quả nhất là đốt xác vật chết, phun thuốc diệt côn trùng, thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết, chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp.
Sau mưa lũ, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất nổi lên bám vào cỏ cây, sức khỏe của đàn vật nuôi giảm sút. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục. Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.
Mặt khác, người chăn nuôi cần thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… Đồng thời, tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu đối với tác động do thay đổi lớn về thời tiết, cũng như có biện pháp khắc phục hiệu quả khi mưa lũ hoặc dịch bệnh xảy ra và thống kê số lượng, loại vật nuôi theo quy định để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; không tái đàn khi chưa bảo đảm về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Nhiều biện pháp ứng phó
Ông Trần Phú Cường cho biết thêm, để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, chi cục đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y huyện, thị, thành phố bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống và chăm sóc bảo vệ đàn vật nuôi và thủy sản trong mùa mưa lũ hiệu quả, ổn định; thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin truyền thông; tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, dự báo thiên tai, các bản tin thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi đến người nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, các trạm cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến kiến thức cho chủ cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi và thủy sản nuôi nhằm khắc phục thiệt hại do mưa lũ xảy ra để ổn định sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi chủ động trong phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và thủy sản nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị nước ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Song song đó, các trạm tăng cường cán bộ về tận các xã, phường cùng với lực lượng thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ; tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập kéo dài, vùng có nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các ấp, xóm, hộ chăn nuôi.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC