Chốt cấp cứu người đi đường: Một mô hình thiết thực

Thứ tư, ngày 02/10/2019

(BDO) Tuyến đường Nguyễn Du, thuộc địa bàn khu phố Bình Đức 1, phường Bình Hòa, TX.Thuận An không quá dài nhưng thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Do đó, với việc xuất hiện một chốt cấp cứu trên tuyến đường này đã giúp những người bị nạn sơ cứu kịp thời. Những trường hợp bị thương nặng, người bị nạn cũng nhanh chóng được chuyển đến các cơ sở y tế để được cấp cứu, từ đó giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra…


Ông Vũ Ngọc Nam đo huyết áp cho một chị mua bán ve chai có dấu hiệu đuối sức khi di chuyển trên đường Nguyễn Du

Kịp thời ứng cứu người bị nạn

Tuyến đường Nguyễn Du tại khu phố Bình Đức 1 kết nối một số tuyến đường huyết mạch. Lượng phương tiện lưu thông ngày càng tăng, nhiều năm nay tuyến đường này được xem là điểm giao thông phức tạp và TNGT ngày một nhiều. Năm 2001, Hội Chữ thập đỏ phường Bình Hòa xây dựng mô hình chốt sơ cấp cứu (hay gọi tắt là chốt cấp cứu) tại khu phố Bình Đức 1 với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ người bị nạn giảm thiểu những thương vong do TNGT gây ra. Chốt này được chọn đặt tại nhà của ông Vũ Ngọc Nam, một bác sĩ quân y, đồng thời cũng là một cựu chiến binh, một hội viên tích cực của Hội Chữ thập đỏ phường Bình Hòa.

Từ khi thành lập, mỗi năm chốt cấp cứu do ông Nam phụ trách giúp đỡ hàng chục trường hợp bị TNGT. Mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả hơn kể từ năm 2007 đến nay. Thời điểm này, Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh phường phối hợp quản lý chốt cấp cứu. Ông Nam đảm nhận chức Hội phó Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu phố Bình Đức 1. Ngoài công tác hội, trực chốt cấp cứu, ông Nam còn giữ nhiệm vụ là nhân viên phục hồi chức năng thuộc Phòng khám Đa khoa phường Bình Hòa.

Người bị nạn khi không may gặp phải những va quẹt hoặc TNGT nghiêm trọng sẽ được chuyển đến chốt để được sơ cấp cứu ban đầu. Những trường hợp nặng, vượt quá khả năng của mình, ông Nam chủ động chở người bị nạn đi cấp cứu tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Để hỗ trợ công tác vận chuyển người bị nạn, ông Nam vận động anh Nguyễn Công Hoàng và Nguyễn Văn Phúc và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của hai anh. Anh Nguyễn Văn Phúc giữ vai trò là xe máy cứu thương, luôn nhiệt tình giúp đỡ mỗi khi ông Nam cần hỗ trợ. Anh Nguyễn Công Hoàng là chủ nhân của chiếc xe tải 5 tấn chuyên chở bàn ghế, chén dĩa cho các dịch vụ cưới hỏi. Mỗi khi xe tải không phải vận chuyển đồ cho khách, anh Hoàng sẵn sàng chở người bị nạn đi cấp cứu.

Nói về công việc cấp cứu người bị nạn, ông Vũ Ngọc Nam cho biết: “Những năm trước, chúng tôi chuyển người bị nạn đến bệnh viện cấp cứu thì thường bị nhân viên bệnh viện giữ lại vì họ tưởng chúng tôi là người nhà nạn nhân hoặc người gây tai nạn. Nay được sự giúp đỡ của địa phương, tôi và hai thành viên còn lại đều được cấp thẻ xe ôm cấp cứu. Việc này tạo thuận lợi cho chúng tôi yên tâm với công việc yêu thích của mình”.

Không chỉ cấp cứu cho người bị TNGT

Kể từ năm 2013 đến năm 2018, chốt cấp cứu TNGT phường Bình Hòa cấp cứu 26 vụ TNGT với 32 người, 12 vụ tai nạn lao động với 12 người, 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 7 người, 95 vụ cấp cứu vì nguyên nhân khác với 95 người. Chốt đã chuyển đi các bệnh viện 44 trường hợp với 44 người, cấp cứu tại chốt 92 trường hợp.

Riêng từ đầu năm đến nay chốt đã cấp cứu cho 14 trường hợp. Đáng chú ý là có nhiều người điều khiển phương tiện giao thông đi trên đường đột nhiên hạ huyết áp, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, xỉu… nhanh chóng được người dân đưa đến chốt để ông Nam kịp thời sơ cứu ban đầu. Thời điểm P.V có mặt tại chốt cấp cứu TNGT, một chị buôn bán hàng ve chai có dấu hiệu hạ huyết áp, chóng mặt đã dừng chân tại chốt để được ông Nam đo huyết áp và tư vấn cách chăm sóc sức khỏe.

Ông Trần Công Phụng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Hòa cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, chốt cấp cứu của phường đã sơ cứu kịp thời các trường hợp bị TNGT, tai nạn lao động, ngộ độc thực phẩm và một số tai nạn khác xảy ra trong khu vực, giúp cho mọi trường hợp cấp cứu tại chốt cũng như chuyển viện đều bảo đảm an toàn đúng quy trình. Từ khi có chốt cấp cứu đến nay không có một trường hợp nào đáng tiếc xảy ra trên địa bàn do không được cứu chữa kịp thời khi bị tai nạn. Để mô hình phát huy hiệu quả hơn cần có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cũng như các ngành chuyên môn, tạo điều kiện hỗ trợ thêm về trang thiết bị phục vụ cho việc sơ cấp cứu cũng như chuyển viện, động viên nhiều người tham gia, đặc biệt đội ngũ tình nguyện viên cũng như phương tiện vận chuyển người bị nạn”.

“Tôi nghĩ mô hình này cần được nhân rộng trên những đoạn đường thường xuyên xảy ra TNGT sẽ góp phần ổn định trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản trong các vụ tai nạn va chạm trên địa bàn phường”, ông Phụng chia sẻ.

Sau nhiều năm tham gia cứu người, ông Nam trăn trở: “Tôi nghĩ mỗi khu phố nên xây dựng một chốt cấp cứu người bị TNGT như thế này để mô hình được nhân rộng ra, giúp đỡ nhiều hơn cho những người không may bị nạn hoặc sự cố tai nạn nào đó. Các tình nguyện viên cần được tập huấn để có kỹ năng về sơ cấp cứu, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của chốt cấp cứu TNGT”.

 TÂM TRANG