Chống lạm phát, ưu tiên số một

Thứ hai, ngày 28/03/2011

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2011. Theo đó, mức tăng chỉ số CPI tháng 3 lên tới 2,17% so với tháng 2 vừa qua. Như vậy so với tháng 12-2010, chỉ số CPI 3 tháng đầu năm nay đã tăng đến 6,12%, trong khi mục tiêu CPI cả năm được đặt ra chỉ ở mức 7%. So với cùng kỳ năm 2010, CPI tháng 3-2011 đã tăng tới 13,89%. Đây là mức tăng cao trong nhiều năm qua. Thông thường, chỉ số CPI chỉ tăng trước tết, sau đó sẽ giảm .

Trong quý I-2011, bên cạnh việc gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, thì việc tăng lãi suất tín dụng, tăng tỷ giá ngoại tệ, giá điện, xăng dầu tăng... đã làm tăng chi phí đầu vào, gây yếu tố tâm lý đẩy giá cả thị trường lên cao hơn. Trong đó, giá điện, xăng dầu điều chỉnh tăng... được xem là nguyên nhân chính khiến giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chịu tác động dây chuyền tăng theo. Lạm phát tăng cao là thách thức lớn nhất. Bởi vậy trong các giải pháp mà Chính phủ đề ra thì mục tiêu đầu tiên là tập trung kiềm chế lạm phát. Chống lạm phát là ưu tiên số một.

Trong các yếu tố tác động đến xã hội và cuộc sống con người, thì rủi ro kinh tế dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập là yếu tố có tác động trực tiếp trên diện rộng. Chính vì lẽ đó mà trong các chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ hàng năm, luôn có chỉ tiêu về chỉ số CPI. Năm 2011, Quốc hội giao Chính phủ điều hành theo định hướng chỉ số CPI tăng không quá 7%. Theo đó, Chính phủ đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm chống lạm phát. Đó là sự ra đời Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kiềm chế lạm phát cũng chính là bảo đảm thu nhập của người dân. Thu nhập của người dân tốt là nền tảng cho các chương trình an sinh xã hội.

Cùng với lạm phát, mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định, giá vàng tiếp tục biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, hoạt động sản xuất - kinh doanh, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân. Phải bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa - đây được xem là gốc của vấn đề. Đồng thời sắp xếp lại hệ thống phân phối; điều hành giá theo thị trường, nhất là giá điện, xăng dầu... Song song đó, cần có chính sách mới để giúp người nghèo ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 NHẬT HUY