Chồng đảm
(BDO) Từ những ngày đầu làm bạn của nhau, em may mắn cũng là bạn một đồng nghiệp của anh nên biết được anh từng là một… “Hít Le” khét tiếng.
Anh khó tính và kỹ lưỡng trong từng công việc, từ việc cơ quan đến việc ứng xử bình thường. Thời yêu nhau, do có ít chuyện va chạm, nên ấn tượng trong em là anh rất chu đáo. Anh chăm sóc em trên mức tuyệt vời. Anh có thể mua tặng em một cái đầm, chỉ vì em nói vu vơ là em thích. Anh có thể mua cho em đúng hộp bánh mà em chỉ viết về nó vài dòng bí ẩn, giấu luôn cả tên cửa hàng. Anh đã từng làm rất nhiều điều, để khiến em, một cô gái 25 tuổi, được yêu như chưa yêu lần nào…
Lấy nhau rồi, khi em mang thai đứa con đầu lòng cũng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của em. Vốn dĩ em không được khỏe, mỗi tháng thai kỳ em phải truyền máu, anh đã ở cạnh chăm sóc em từ những điều nhỏ nhặt nhất, đến nỗi mấy chị trong bệnh viện khen anh hết lời. Mọi thứ của anh đều gần như hoàn hảo trong em.
Con mình ra đời, đứa đầu rồi đến đứa thứ hai. Hai đứa trẻ sinh quá gần nhau khiến hai vợ chồng rất vất vả. Đến lúc đó, em mới hiểu hết nghĩa của từ “Hít Le” mà ngày xưa mà anh từng bị gán ghép.
Ảnh minh họa Internet
Anh không chỉ khó, vì từ “khó” chưa đủ diễn đạt hết những cảm nhận của em. Anh khó đến mức vô lý mà em không thể hiểu được. Những việc nhỏ nhoi thôi, cỏn con thôi nhưng cứ làm tình yêu chúng mình hao mòn dần. Em xếp đồ, anh bảo phải xếp đồ con trước, đồ người lớn sau, mà đồ người lớn phơi ở trong, gần nhất, và em đang xếp đồ người lớn. Em gom đồ chơi của con, thì anh bảo phải phân loại ra, sách để đây, đồ chơi để ở kia, gom chung chỗ không được…
Với anh, không có cái gọi là tiện tay. Như có lần, hai ba lô của con giống nhau, chỉ khác mỗi tên ghi trên ba lô, em treo trên xe, anh cũng phải sửa lại, bé đầu bên trái, bé sau bên phải. Những cái đó chi li, nhỏ nhặt quá, sao anh lại khắt khe, chỉnh sửa để làm gì?
Em nhớ một lần, một lần thôi đủ để em nhớ cả đời. Hôm đó bé đầu đang bệnh, sáng ra con bị sốt. Em chưa cho con uống thuốc lần nào, con lại bé nên em không dám cho con uống thuốc. Em nói anh mau cho con uống thuốc thì anh cứ lẳng lặng làm hết mọi công việc mà mỗi buổi sáng anh vẫn làm, như dọn chén bát đã úp khô tối qua, tưới cây…
Em khi đó đang nấu ăn, con thì vẫn sốt và khóc. Em dỗ con mà lòng đau như cắt. Em nhắc anh thì một trận chiến nảy lửa nổ ra. Anh cho rằng em đã không làm thì đừng bảo người khác làm. Hôm đó em đã rất giận, giận bản thân mình chẳng biết chăm con và đã quá dựa dẫm vào anh vì biết anh làm giỏi hơn mình…
Bé thứ hai ra đời, khó khăn lại chồng chất. Đứa lớn mới hai tuổi, đứa nhỏ sáu tháng thì em đi làm lại. Chưa 5g sáng em đã phải dậy để chuẩn bị đồ ăn sáng lẫn cơm cho cả ngày. Tối về đến nhà thì đã 6g tối, em với anh lại tiếp tục “cuộc chiến” đến 8g tối con mới ngủ. Sau đó, hai vợ chồng còn phải làm những việc còn lại cho bản thân.
Em biết anh đã rất cực vì em làm điều gì cũng không vừa ý anh, anh phải làm lại, tối đến anh còn phải thức cho bé nhỏ bú. Nhưng anh ơi, em nghĩ đàn ông cũng nên phóng khoáng hơn một chút, đừng cứ nhìn vào những điều chưa được của vợ, rồi cảm thấy bực mình khi không vừa ý để gia đình phải mất vui.
Có những điều vụn vặt vô cùng, em chẳng thể nhớ nổi, nhưng những điều ấy, từng ngày từng ngày đè nén trong em. Lâu lâu, có ai đó nói với em là có chồng như anh thật sướng, vì anh giỏi giang, vì anh đảm đang, mình chẳng cần làm gì cả; nhưng chỉ ai ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Đôi khi em chỉ ước gì anh bớt giỏi, để em thấy mình không phải là một người phụ nữ kém cỏi. Mỗi lần gặp mẹ anh, em đều nhìn thấy hình ảnh của em trong mẹ, hình ảnh của mẹ là hình ảnh tương lai của em. Bố anh cũng khó tính vô cùng. Ông đã 73 tuổi rồi mà vẫn ngày hai lần quét dọn vì không chịu được sự không sạch sẽ, dù mẹ chỉ rớt vài cọng tóc. Chắc anh cũng hiểu, mẹ đã sống như thế nào, đã chịu đựng ra sao để có thể sống cùng với bố.
Hôm nay, mẹ nói với em, bé đầu của mình cũng có tính khó khăn như anh. Bé muốn mẹ làm giúp cái này, thì dù mẹ đang bận, bé cũng không muốn bà làm giùm. Dù con học được ở anh những tính tốt như ngăn nắp, gọn gàng, mới hai tuổi đầu đã biết tự dọn đồ chơi của mình, nhưng cả em và bà nội đều không muốn con nối tiếp sự khó khăn của anh.
Anh ơi, đôi khi em chỉ biết gượng cười, khi ai đó khen em tốt số vì có chồng quá giỏi….
Theo PNO