Chống béo phì ở trẻ em phải gắn với kéo giảm suy dinh dưỡng
Bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã có công trình nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em 3 - 5 tuổi tại các trường mẫu giáo TX.TDM. Chúng tôi đã gặp bác sĩ (BS) Thủy để tìm hiểu về vấn đề này.
- Xin BS cho biết sự nguy hiểm của bệnh lý béo phì (BP) cũng như thực trạng bệnh lý BP ở lứa tuổi mẫu giáo?
- BP là một bệnh lý do rối loạn dinh dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới đã công bố báo cáo “Thừa cân và BP, một dịch toàn cầu” và kêu gọi các quốc gia luôn có chương trình hành động cụ thể. Bởi đây là căn bệnh của các nước phát triển kinh tế, “bệnh nhà giàu” và được xác định là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính có liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, bệnh mạch vành và một số bệnh ung thư.
Tăng cường vận động góp phần giúp trẻ giảm nguy cơ béo phì Từ khuyến cáo đó, chúng tôi đã nghiên cứu về vấn đề này. Qua khảo sát 10 trong số 34 trường mẫu giáo tại TX.TDM vào cuối năm 2009, với tổng số 2.427 trẻ có độ tuổi từ 3 - 5, gồm 1.131 gái và 1.231 trai. Phân tích cho thấy, có 516, chiếm 21,26% trẻ mắc tình trạng rối loạn dinh dưỡng; trong đó tỷ lệ BP là lớn nhất: 315 trẻ thừa cân BP, chiếm tỷ lệ 12,97%, 124 trẻ thấp còi, tỷ lệ 5,11%, 77 trẻ suy dinh dưỡng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy: tỷ lệ trẻ trai mắc các rối loạn dinh dưỡng nhiều hơn trẻ gái.
- BS cho biết cách phòng chống rối loạn dinh dưỡng, đặc biệt là BP?
- Để phòng chống thừa cân và BP, cần chăm sóc tốt cho trẻ từ trong bào thai để tránh thiếu hoặc thừa dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh. Cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chỉ cai sữa sau 2 năm. Nếu phải nuôi bằng sữa bột, không nên sử dụng thêm đường hay tinh bột. Khi trẻ ăn dặm, thức ăn phải được bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết để giúp tăng trưởng tối đa.
Đối với trẻ độ tuổi mẫu giáo, cần tăng cường hoạt động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo từng lứa tuổi (như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội...). Sinh hoạt điều độ, hạn chế xem vô tuyến, chơi điện tử hoặc thức quá khuya. Về ăn uống, cần bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường, khuyến khích ăn rau và hoa quả. Hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống có đường.
Điều quan trọng là theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao. Như vậy, cha mẹ sẽ phát hiện sớm suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, BP để xử trí kịp thời.
B.ANH (thực hiện)