Chơi diều sáo: Thú vui tao nhã

Thứ hai, ngày 14/04/2014

   Anh Hồng và anh Thanh chuẩn bị cho diều “cất cánh” Ảnh: TUYẾT TRINH

 Mới đây, trong một lần đi dạo mát tại công viên mới Bạch Đằng, chúng tôi tình cờ bắt gặp một nhóm thanh niên đang chơi một loại diều khá độc đáo bởi nó phát ra âm thanh nghe vui tai, hỏi ra mới biết đây là diều sáo. Diều sáo có hình dáng khá đặc biệt so với diều thường. Điều đặc biệt, mỗi chú diều cõng theo một dàn sáo để khi bay lên không trung sẽ phát ra những âm thanh độc đáo. Có loại diều được trang bị đèn phát sáng để chơi được vào buổi tối. Thú chơi diều sáo thịnh hành ở Bình Dương từ khoảng 2 năm trở lại đây. Anh Hồng, ngụ tại phường Phú Cường (TP.TDM), một người chơi diều sáo cho biết, anh là người gốc Bắc, thoạt đầu anh chỉ mang diều sáo từ Bắc vào để chơi giải trí. Sau đó, bạn bè thấy lạ nên đã tự tìm tòi, mày mò và tự trang bị cho mình mỗi người một con diều.

Để làm được một con diều sáo, về phần khung diều thì không quá khó, quan trọng nhất là phần dàn sáo. Các anh tìm đến các thợ mộc để nhờ khắc sáo. Với những mũi dao cắt khác nhau sẽ cho ra một dàn sáo với âm thanh khác nhau. Anh Hồng còn cho biết: “Ở TP.HCM có rất nhiều hội chơi diều sáo, nhưng chúng tôi ở Bình Dương thì mới tham gia khoảng hơn 1 năm nay nên chưa thành lập nhóm chính thức, chỉ là các anh em chơi với nhau cho vui. Thi thoảng tôi có mời Hội Diều sáo ở Gò Vấp xuống biểu diễn để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm và trao đổi cách làm diều”.

Anh Thanh, phường Phú Thọ (TP.TDM), thợ điêu khắc chạm gỗ lâu năm, nay chuyển sang nghề khắc sáo, chia sẻ: “Tôi thấy thú chơi diều sáo cũng hay nên tìm hiểu, học hỏi và tự sản xuất các dàn sáo đạt chất lượng tốt cho những người yêu thích trò chơi này. Nguyên liệu để làm phần khung thường là tre gai, tre mỡ, tầm vông, kích thước từ 1,2m đến 6m, đa phần là loại 3m do diều càng to thì một người chơi không thể kéo nổi mà cần sự giúp sức của nhiều người. Loại diều 2,5m cõng được 5 đến 6 ống sáo, còn diều từ 3m trở lên thì cõng được 9 ống sáo. Chi phí trung bình cho một con diều khoảng 3m là hơn 1 triệu đồng, chưa kể dàn sáo. Đối với phần dàn sáo, nguyên liệu hơi khó tìm, bởi nó được làm từ nứa, lồ ô, tre, trúc hoặc tre rừng to, miệng sáo làm bằng lõi cây gỗ mít bởi chất liệu này rất bền và không bao giờ bị nứt”.

Để có được âm thanh hay thì ống sáo phải to nên nguyên liệu sẽ khó tìm, chi phí cũng cao hơn. Ngoài ra, để có được âm sắc hay thì người thợ cần có những đường dao thật khéo léo và với những bí quyết gia truyền. Anh Thanh chia sẻ, thời tiết thuận lợi để chơi diều ở miền Nam khá ít so với miền Bắc, chỉ chơi được khoảng 3 tháng, còn ở miền Bắc chơi từ tháng 4 đến tháng 10. Như vậy người chơi sẽ có nhiều thời gian để trải nghiệm hơn. Từ khi vào nghề anh Thanh đã làm được hơn 20 con diều sáo, kinh nghiệm cũng khá dày dạn, chủ yếu là anh tự mày mò học hỏi từ các bạn người Bắc, nhưng mỗi người có một bí quyết riêng.

Không chỉ riêng diều sáo, hiện nay thú chơi diều được người Việt Nam đặc biệt quan tâm và thỉnh thoảng có các cuộc thi, Festival biểu diễn diều nghệ thuật được tổ chức. Đây là cơ hội để những người chơi diều các miền học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời với mong muốn đưa cánh diều Việt Nam vươn ra các cuộc thi thế giới.

TUYẾT TRINH