Cho vay nặng lãi và đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”: Cần nghiêm trị hành động vi phạm pháp luật
(BDO) Những ngày qua, công an một số tỉnh, thành liên tục triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi và đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Khi đứng trước ống kính P.V, nhiều “nhân viên” của các “công ty” này tỏ ra hiền hậu, tuy nhiên với những người trót vay tiền của các “công ty” này thì những thanh niên xăm trổ đầy mình kia thực sự là những “hung thần”. Các công ty tín dụng kia thì không dễ buông tha người vay khi đã “làm ăn” cùng nhau.
Còn nhớ cách đây không lâu, sau thời gian đeo bám, Công an TX.Dĩ An (Bình Dương) đã triệt phá một nhóm cho vay nặng lãi sau đó kéo nhau dùng vũ lực đi đòi nợ. Khi kiểm tra trụ sở của công ty này, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng ngàn giấy tờ vay tiền, giấy tờ xe, giấy tờ đất… Đây chính là những “bửu bối” các đối tượng dùng để khống chế con nợ. Một cán bộ điều tra trực tiếp thụ lý vụ việc này cho biết khi đưa người vay vào “bẫy”, những “công ty hỗ trợ tín dụng” hoạt động kiểu này đưa ra nhiều lời ngon ngọt, họ tự xưng là nhân viên của công ty cung cấp tài chính cho bất cứ ai có nhu cầu làm ăn, mua sắm… Thậm chí những người sau khi vay mà dẫn được “mối” khác đến vay thì được hưởng hoa hồng. Khi hợp đồng được ký kết, khi tiền trao tay thì người đi vay chính thức trở thành “con nợ”. Việc đầu tiên là họ không hề nhận được khoản tiền đáng lẽ ra mình được nhận mà bị trừ tiền lãi tháng đầu tiên. Thông thường là từ 15%/tháng trở lên. Sau đó họ phải gồng mình mà trả nợ.
Có nhiều người sau khi chịu hết siết vì phải đóng tiền lãi hàng tháng đành xin khất, lúc này họ sẽ bị những nhân viên xăm trổ đầy mình hăm dọa, dùng vũ lực yêu cầu trả nợ; hoặc họ sẽ bị mất luôn tài sản của mình và còn có nguy cơ bị kiện vì những bản hợp đồng trước đó đã được lập với lập luận hết sức tình cảm “Anh em mình tin nhau là chính. Cái này là thủ tục thôi!”. Vì không chịu nổi các “công ty” cho vay nặng lãi nên nhiều người phải bỏ nhà đi trốn, nhiều người bỏ việc trốn về quê và mang theo một mối lo sẽ bị trả thù….
Có thể nói hiện nay vấn đề này đang ngày càng len lỏi vào các khu nhà trọ, các xóm lao động nghèo, đặc biệt trong đối tượng là công nhân. Vì cần một số tiền để giải quyết công việc gia đình, cần tiền trang trải chi phí… mà một số người tìm đến các “công ty hỗ trợ tài chính” này mà không hề biết rằng những hệ lụy đang chờ mình… Thiết nghĩ, bên cạnh vai trò của các cơ quan chức năng trong việc đeo bám, triệt phá các đường dây cho vay tín dụng đen thì các cấp công đoàn, các chủ nhà trọ cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người ở trọ nâng cao tinh thần cảnh giác, không “dây dính” với tín dụng đen. Ngoài ra, các quỹ hỗ trợ người lao động vay vốn nên linh hoạt hơn, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để giải quyết những chi tiêu cấp thiết trong cuộc sống.
L.T.P