Chợ tự phát tràn lan vào dịp cận tết
(BDO) Vào dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là công nhân. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều tiểu thương ngang nhiên lấn chiếm lòng, lề đường và vỉa hè để buôn bán. Từ đó hình thành nhiều điểm, chợ tự phát (CTP) không những gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Bất chấp biển cấm, nhiều cá nhân lấn chiếm lòng đường D9 trong Khu dân cư Việt - Sing để buôn bán (ảnh chụp ngày 12-1)
Lòng đường thành chợ
Mặc dù trong thời gian qua nhiều CTP đã được chính quyền địa phương giải tỏa, tuy nhiên vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, kéo theo đó là tình hình CTP diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại các địa bàn giáp ranh, khu công nghiệp và các tuyến đường trọng điểm như TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một và TX.Tân Uyên.
Cụ thể, theo ghi nhận của P.V vào chiều ngày 26-1, trên nhiều tuyến đường tại KP.Bình Thuận 2, P.Thuận Giao, TX.Thuận An trong Khu dân cư Thuận Giao bị người dân lấn chiếm để buôn bán, trong khi tuyến đường này không được phép tổ chức họp chợ. Điều đáng nói là nhiều người dân còn mang cả hàng hóa bày biện ra giữa lòng đường, khiến tình trạng giao thông ở đây hết sức hỗn loạn. Chị Nguyễn Thị Loan (quê Quảng Nam, công nhân may), bức xúc: “Trước kia, khi đi làm về tôi thường đi qua con đường này. Gần ngày giáp tết, nhiều người đến đây lấn chiếm để buôn bán khiến tôi phải đi đường vòng và mất thêm 2km mới về tới phòng trọ”. Không những thế, nhiều tiểu thương nơi đây còn giết mổ gia cầm ngay tại vỉa hè, nước thải được đổ thẳng ra mặt đường khiến khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng.
Mặc dù các tuyến đường D9, D11, D33… trong Khu dân cư Việt - Sing (KP.4, P.An Phú, TX.Thuận An) là những tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông cao và điều có biển báo “Cấm họp chợ”, nhưng bất chấp biển cấm, nhiều người dân sống dọc theo các tuyến đường trên ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè và lòng, lề đường để buôn bán, khiến cho các phương tiện lưu thông qua đây rất chật vật. Tương tự, dọc theo tuyến đường 22-12 (giáp ranh giữa P.An Phú và Thuận Giao), ĐT743 (P.Bình Hòa) nhiều “cửa hàng” bán quần áo mọc lên như nấm. Trao đổi với P.V, ông Quản Văn Bình, Chủ tịch UBND P.An Phú, cho biết: “Trước tình trạng CTP bùng phát vào ngày giáp tết, UBND phường đã có kế hoạch kiểm tra và giải tỏa mua bán lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn phường. Theo đó, UBND phường sẽ giao trách nhiệm cho các khu phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Quyết định 1347/ QĐ-UBND ngày 8-4-2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án bố trí sắp xếp địa điểm tạm thời cho các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vận động người dân viết cam kết không lấn chiếm vỉa hè và lòng, lề đường. Ngoài ra, UBND phường còn phân công tổ an toàn giao thông thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân vi phạm”.
Tại TX.Dĩ An, theo ghi nhận của P.V, tình trạng CTP có phần “giảm nhiệt” hơn so với TX.Thuận An. Tuy nhiên, tại P.Tân Đông Hiệp vẫn còn 2 “điểm nóng” CTP là ngã ba Yazaki (giáp ranh giữa P.Tân Đông Hiệp và P.Dĩ An) và đường Đoàn Thị Kia đã tồn tại lâu nay lại càng thêm “tăng nhiệt” khi dịp Tết Nguyên đán đến gần. Để giải quyết 2 CTP này, UBND P.Tân Đông Hiệp đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân viết cam kết không lấn chiếm lòng lề đường và vỉa hè để buôn bán, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn vận động người dân đầu tư xây dựng chợ Đông Chiêu để tạo điều kiện cho các tiểu thương dọc tuyến đường Đoàn Thị Kia. Nhưng từ khi, chợ Đông Chiêu được đưa vào sử dụng gần 2 năm nay thì không một tiểu thương nào chuyển vào đây buôn bán.
Người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro
Ngoài tình trạng CTP gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường, việc người dân mua sắm hàng hóa tại CTP còn gặp nhiều rủi ro về hàng gian, hàng giả. Đặc biệt, vào những ngày cận tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa cao hơn ngày thường tạo điều kiện cho hàng gian, hàng giả và thực phẩm mất vệ sinh an toàn “đổ bộ” về các chợ tự phát.
Bà Huỳnh Thị H. (quê Thái Bình), một tiểu thương buôn bán quần áo trên đường 22-12, cho biết: “Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người lao động cao hơn ngày thường. Tôi đã tăng lượng hàng và mẫu mã nhằm thu hút công nhân đến mua. Công nhân đâu cần đi đâu xa mua cho đắt đỏ, quần áo ở đây vừa đẹp, vừa rẻ”. Tuy nhiên, khi được P.V hỏi nguồn gốc mặt hàng quần áo của cả người lớn lẫn trẻ em, bà Hoa chia sẻ: “Mặc dù bán quần áo di động nhiều năm nhưng tôi cũng không biết nguồn gốc hàng hóa mình từ đâu ra. Thường thì đến một số địa chỉ chuyên cung cấp quần áo đổ đống sỉ, lẻ rồi lựa chọn và mua, sau đó đưa hàng tới các khu công nghiệp, tuyến đường bán cho công nhân!”.
Bên cạnh đó, khi được hỏi về chất lượng hàng hóa tại các CTP đang bán tràn lan trên các tuyến đường - khu công nghiệp, hầu hết công nhân đều than vãn “Tiền nào của đó!”. Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, công nhân trong KCN Việt Nam - Singapore, nói: “Trước đây tôi thường xuyên mua thức ăn và quần áo tại các CTP vì thuận tiện và hấp dẫn về mẫu mã. Nhưng sau nhiều lần mua phải quần áo, giày dép dỏm thì tôi mới thấm câu “tiền nào của đó”. Đặc biệt từ khi tôi đọc báo thấy nhiều người bán thịt thối thì tôi nói không với CTP”.
Cũng như chị Nguyệt, nhiều công nhân sau khi “nếm trái đắng” khi mua hàng hóa tại CTP đều cho rằng hàng hóa được bày bán tại đây chủ yếu là hàng dỏm, không chất lượng, không xuất xứ... Không những vậy, nhiều người buôn bán nơi đây còn sử dụng chiêu trò để móc túi người tiêu dùng.
UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị các cơ quan ban ngành tăng cường các biện pháp nhằm ngăn ngừa, khắc phục tình trạng sử dụng lòng đường trái phép vào mục đích cá nhân. Cụ thể theo Công văn số 4535/UBND-NC ngày 18-12-2015 của UBND tỉnh về việc ngăn ngừa, khắc phục tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định và ngăn ngừa nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông gửi về các ban, ngành trên địa bàn tỉnh, công văn yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải khẩn trương rà soát việc xây dựng và thực hiện các quy định về thủ tục hành chính về việc cho phép sử dụng đường bộ vào các hoạt động văn hóa quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và quy định về sử dụng tạm thời lòng đường không vào mục đích giao thông trong Nghị định số 100/2013/NĐ-CP nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm. Đồng thời, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
NGUYỄN HẬU