Chợ Tết xưa và nay
Trước đây, những ngày giáp Tết, người lớn thì lo lắng lên danh sách sắm sửa thực phẩm, hoa tươi, quần áo mới, còn trẻ con háo hức đi chợ Tết. Giờ đây, người ta vẫn ùn ùn đi chợ sắm Tết, nhưng không khí chợ và tâm trạng của người mua và kẻ bán đã khác xưa...
Tâm trạng của cả người bán lẫn kẻ mua tại phiên chợ Tết đã khác xưa nhiều...
Sắm từ A đến Z
Trước đây, khái niệm này chỉ đúng với người thành phố - những người quanh năm suốt tháng tất bật với công việc thì bây giờ ở nông thôn hay các vùng tỉnh lẻ cũng thế. Gần như tất cả đã có sẵn ngoài chợ nên người ta không phải lui cụi vất vả chuẩn bị. Rất nhiều mặt hàng từ quần áo, những vật dụng đơn giản đến các loại bánh kẹo, thực phẩm đóng gói, giò chả, bánh chưng nấu sẵn đã được bày bán la liệt khắp các chợ từ thành phố đến nông thôn trước cả tháng trời. Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều, có thể đợi đến hai bảy hay hai tám âm lịch ra chợ một vòng đã có đầy đủ cho ba ngày Tết.
Nếu ngày trước cứ phải tỉ mẩn gói bánh và nấu bánh chưng suốt đêm ba mươi để trông giao thừa thì nay chỉ cần ra chợ, muốn gì có nấy, đủ các kích cỡ và giá thành tha hồ lựa chọn. Các loại bánh mứt lại càng đa dạng, muôn màu muôn vẻ nên "hơi đâu ngồi còng lưng rim một mẻ mứt" là tâm lý phổ biến.
Không phải nấu nướng nhiều hay sửa soạn công phu nên thời gian chuẩn bị trong những ngày giáp Tết cũng được rút ngắn rất nhiều. Người ta tranh thủ nghỉ ngơi, đủng đỉnh lo công việc cơ quan có khi đến ngày ba mươi mới chạy ù ra chợ hoặc siêu thị. Nhiều người cũng chẳng buồn đặt chân tới chợ mà chỉ cần một cú nhấp chuột là có tất cả, lại không phải lỉnh kỉnh tay xách nách mang mà còn được giao tận nhà miễn phí...
Tất cả các loại đồ ăn thức uống đều được làm sẵn nên cũng không phải mất công ngồi mày mò cả buổi mới hoàn thành một bữa cơm. Vì vậy, người ta càng có nhiều thời gian để "nghỉ xác". Với nhiều người, Tết chỉ còn là dịp được nghỉ xả hơi nên tranh thủ đi du lịch hoặc ngủ bù những ngày giáp Tết phải làm ráo riết kiếm thêm tiền.
Chợ Tết do đó cũng không còn không khí đặc trưng với màu mè, tươi vui và đông đúc như một lễ hội. Người mua thì lo làm sao mua thật nhanh để khỏi phải chen chúc, trẻ em gần như chẳng được phép lui tới những chỗ đông người, còn người bán hàng cũng lo bán tống bán tháo hết đợt hàng này để tuồn ra đợt hàng khác kiếm tiền thêm lợi nhuận trong những ngày sức mua và giá cả đều tăng vọt. Những nét văn hóa tinh thần của chợ Tết ngày nay gần như là một khái niệm xa lạ với rất nhiều người Việt, nhất là tại các thành phố lớn.
Mối lo an toàn thực phẩm
Cứ mỗi mùa Tết đến, vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu là thực phẩm và các căn bệnh về đường tiêu hóa. Bên cạnh thông tin các mặt hàng như yếu phẩm có dấu hiệu rục rịch tăng giá, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong câu chuyện sắm Tết của các bà nội trợ.
Trước hàng loạt thông tin về những cơ sở chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hàng tấn thịt mỡ thối bị phát hiện hay những cơ sở sản xuất bánh mứt bên cạnh mương, cống đầy ruồi nhặng đã gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, tại các thành phố hay khu đô thị phần lớn người dân có điều kiện đến các siêu thị mua hàng với chất lượng đã qua kiểm định và có nguồn gốc rõ ràng thì một khối lượng lớn hàng hóa chưa qua kiểm duyệt, chưa được cấp phép lại trôi dạt về các vùng quê - nơi những người dân ít thông tin và dễ bị thuyết phục bởi những người bán hàng luôn đặt lợi nhuận lên trên.
Ngày trước, cứ ra chợ, người ta đều có sẵn mọi thứ tươi ngon. Bây giờ cũng thế, nhìn thoáng qua màu sắc bắt mắt, hình thức, bao bì đẹp, các bà nội trợ không tránh khỏi sức hấp dẫn từ những thứ hàng hóa ấy. Tuy nhiên, mức độ an toàn của những thứ chứa trong đó là điều không ai dám đảm bảo. Ngẫm lại mới thấy, đi chợ ngày nay dù tiện lợi, nhanh gọn nhưng chưa hẳn đã vui và yên tâm thậm chí như là một cái thú đầy thi vị của những phiên chợ Tết thuở trước.
(Theo Dân Trí)