Cho nhân viên nghỉ việc vì mang thai?

Thứ sáu, ngày 21/08/2015

Những ngày qua, chị Lê Kim Thạnh (SN 1982, quê An Giang) hoang mang, lo lắng vì chị đang mang thai ở tháng thứ sáu, vẫn đi làm bình thường thì bất ngờ nhận thông báo từ phía công ty yêu cầu phải nghỉ việc mà không có lý do rõ ràng. Bức xúc trước thái độ thiếu thiện chí của chủ doanh nghiệp, chị Thạnh gửi đơn kêu cứu đến Báo Bình Dương… 

(BDO)

 Chị Lê Kim Thạnh bức xúc vì bị sa thải một cách vô lý khi đang mang thai

Bỗng dưng… bị sa thải!

Trong đơn, chị Lê Kim Thạnh trình bày: “Từ ngày 16- 2-2014, tôi vào Công ty TNHH MTV Quốc tế Huy Bảo Đài Loan làm việc. Đến ngày 1-9- 2014, tôi được chính thức ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Công việc chính của tôi là phiên dịch viên và phụ trách điều hành hoạt động của công ty theo sự phân công của Giám đốc và Tổng trợ lý từ phía Đài Loan. Công ty hoạt động trên danh nghĩa người đại diện pháp luật là người Việt Nam, lãnh đạo là người Đài Loan.

Ngày 28-7-2015, tôi có nhận được thông báo từ phía công ty buộc tôi làm hết tháng này (hạn là 31-7) phải kết thúc công việc, không được đến công ty làm việc nữa. Ngày 31-7, phía điều hành bên Đài Loan yêu cầu tôi làm bảng lương tháng 7 và phát cho tất cả nhân viên rồi tôi phải tự chấm dứt công việc kể từ ngày hôm đó. Bắt đầu từ ngày 1-8, tôi không được đến công ty làm việc nữa. Khi tôi yêu cầu đưa ra quyết định thôi việc và phần trợ cấp thì người đại diện công ty ở Việt Nam nói rằng phía bên Đài Loan không chấp nhận yêu cầu của tôi, tôi cứ thế mà nghỉ việc.

Mặc dù công ty ngăn cấm tôi từ ngày 1-8 không được đến làm việc nữa nhưng do chưa nhận được quyết định thôi việc nên từ ngày 1-8 đến 6-8 tôi vẫn đến văn phòng làm việc bình thường. Tuy nhiên, tôi chỉ đến ngồi đó cho hết giờ làm rồi về chứ không được giao việc gì. Sáng ngày 6-8, khi tôi đến công ty thì gặp ông chủ người Đài Loan và người phiên dịch. Người phiên dịch nói rằng ngày mai tôi không được đến công ty làm nữa, nếu tiếp tục đến họ sẽ không cho vào công ty hoặc kêu giang hồ đến xử tôi…(!?)”.

Công ty không hợp tác

Cũng theo chị Thạnh, thời điểm này, tâm trạng chị rất hoang mang, bức xúc sau khi nghe những lời đe dọa trên vì chị vừa lo sợ sự an toàn của mẹ con chị, vừa bất bình trước thái độ của phía công ty. Hiện chị đang mang thai ở tháng thứ 6 nên khả năng tìm việc rất khó. Chưa kể dù hợp đồng được ký nhưng phía công ty vẫn chưa đóng bảo hiểm cho chị theo quy định nên chị không được hưởng chế độ thai sản và những chế độ khác.

“Tôi nghĩ quyền lợi chính đáng của mình đang bị xâm phạm. Bản thân tôi đang có thai, lại thất nghiệp nên vô cùng lo lắng. Vì quá bức xúc nên tôi có gửi đơn lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Thuận An kêu cứu. Khi tôi hỏi lý do sa thải thì người của công ty nói do công ty ngưng hoạt động. Thực tế là hiện giờ công ty vẫn đang hoạt động bình thường. Hiện nay, tôi đang rất mong chờ sự hỗ trợ của pháp luật để tôi giành lại quyền lợi chính đáng của mình”, chị Thạnh cho biết.

Được biết, Công ty TNHH MTV Quốc tế Huy Bảo Đài Loan, địa chỉ số 345, ô 35, KDC Việt Sing, phường An Phú, TX.Thuận An do ông Huỳnh Văn Tới là người đại diện pháp luật (giám đốc) chính thức hoạt động từ ngày 23-7-2014. Theo tìm hiểu, Công ty Huy Bảo Đài Loan tại Bình Dương thực chất là văn phòng giao dịch với khoảng 3 nhân viên, chuyên phân phối máy tái chế dung môi.

Đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Thuận An cho biết: “Vừa rồi, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Thuận An đã nhận được đơn kêu cứu của chị Lê Kim Thạnh. Theo trình tự quy định, chúng tôi đã mời đại diện Công ty TNHH MTV Quốc tế Huy Bảo Đài Loan và chị Thạnh lên hòa giải. Tuy nhiên, sau hai lần mời liên tiếp, phía công ty vẫn không có mặt. Chiều 12-8, chúng tôi mời thêm lần nữa. Nếu phía công ty vẫn không có mặt, chúng tôi sẽ hướng dẫn chị Thạnh nộp hồ sơ đến TAND TX.Thuận An khởi kiện…”.

Theo tìm hiểu, chiều 12-8, tức là lần thứ ba được ngành chức năng mời lên giải quyết vụ việc nhưng phía Công ty Huy Bảo Đài Loan vẫn không cử người đến.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Bộ luật Lao động, thì người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của bộ luật này.

Khoản 3 Điều 155 quy định: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

Quy định tại khoản 1 Điều 201: Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Luật gia XUÂN LẠC


 TÂM TRANG