Cho người khác mượn thông tin cá nhân để giao kết hợp đồng lao động: Hậu quả và hệ lụy

Thứ bảy, ngày 03/02/2024

(BDO) Bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Người lao động (NLĐ) là đối tượng bắt buộc tham gia đóng BHXH, ngoài ra người dân cũng có thể tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện và được hưởng quyền lợi như tham gia BHXH bắt buộc.

Theo khoản 1 Điều 3, Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì BHXH được định nghĩa: “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”.

Hiện nay, tình trạng NLĐ cho người khác mượn thông tin cá nhân để tham gia BHXH hoặc lạm dụng thông tin cá nhân người khác để tham gia BHXH không còn quá xa lạ. Về nguyên tắc thì một người chỉ có một số sổ BHXH nhưng hiện nay vẫn có trường hợp một người có nhiều số sổ BHXH, điều này sẽ khiến các thủ tục hành chính liên quan đến BHXH sẽ phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, khi chấm dứt hợp đồng lao động, tình trạng người sử dụng lao động kéo dài thời gian chốt sổ BHXH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của NLĐ.

Hậu quả, hệ lụy của người cho mượn thông tin cá nhân để tham gia BHXH:

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ giải quyết thủ tục để lĩnh tiền bảo hiểm 1 lần sẽ bị trùng giẫm, sẽ bị kéo dài thời gian chốt sổ BHXH và nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của NLĐ.

Người mượn thông tin cá nhân lao động tại các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật tại nơi làm việc với thông tin cá nhân của người cho mượn như vi phạm pháp luật về hình sự, hành chính, vay mượn tiền và tài sản của người khác rồi bỏ trốn… Người cho mượn hồ sơ sẽ bị rắc rối về mặt pháp lý, thời gian, uy tín, danh dự…

Ngoài ra, người cho người khác mượn thông tin cá nhân của mình để đi làm, còn phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Căn cứ pháp luật quy định xử lý về trường hợp cho mượn, hoặc mượn thông tin người khác tham gia BHXH:

- Hành vi nghiêm cấm khi tham gia BHXH Tại khoản 4 Điều 17 Luật BHXH 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)”.

- Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) như sau:

“Phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

b) Tẩy xóa, sửa chữa CMND;

c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật”. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 27 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, BHTN như sau: “1. Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với NLĐ có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BHTN. …

4. Phạt tiền từ 5.000.000-10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hồ sơ BHXH, BHTN để trục lợi chế độ BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BHTN giả mạo.”

Như vậy, hành vi cho người khác mượn CMND sẽ bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, bên mượn và bên người sử dụng lao động cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Từ khóa: