Cho mùa xuân thêm tươi!
(BDO) Xuân đến, đất trời rộng mở. Hòa nhịp cùng xuân, lòng người vì thế cũng rộn ràng với bao ước định cho tương lai. Xuân đến với mọi người, mọi nhà, nhưng đâu đó vẫn có những người đón mùa xuân không trọn vẹn, nhất là với những người con xa quê. Với Bình Dương, nơi có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động, trong đó có khoảng 85% là người ngoại tỉnh, lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương đã có những hoạt động chăm lo thiết thực, đầy ắp tình người cho lực lượng này. Xuân này, rất nhiều hoạt động được tỉnh triển khai với mong muốn mùa xuân trên quê hương Bình Dương thêm tươi, thêm trọn vẹn.
Đất ấm tình người
Không phải bây giờ câu chuyện tình người Bình Dương mới được nhắc đến, mà trước đó rất lâu, Bình Dương đã có nhiều mô hình hay, hoạt động thiết thực để chăm lo cho công nhân lao động (CNLĐ), nhất là CNLĐ từ các địa phương khác đến. Xác định là vùng đất hội tụ, xem người lao động (NLĐ) là vốn quý, Bình Dương luôn tạo điều kiện để lực lượng này được phát huy, được chăm lo về mọi mặt để đón nhận Bình Dương là quê hương thứ hai của mình.
Bình Dương luôn xem người lao động, trong dó có người lao động ngoại tỉnh là vốn quý và luôn đồng hành, chăm lo
Với tư duy ấy, trong suốt thời gian dài đã qua, Bình Dương luôn đồng hành, sát cánh để chia sẻ, hỗ trợ CNLĐ xa quê, giúp lực lượng này có cuộc sống ổn định lâu dài. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương bị “đông cứng, khóa chặt”, các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân tại Bình Dương đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để tiếp tế cho NLĐ tại các vùng cách ly, phong tỏa. Dù đó chỉ là bó rau, ký gạo, thùng mì gói hay vài túi trái cây, nhưng đã làm cho mọi người cảm thấy ấm lòng vào những lúc nguy khó. Lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên đến các vùng cách ly, phong tỏa để nắm tình hình, hỏi thăm và động viên NLĐ đồng lòng chống dịch.
Nhớ lại những lúc nguy khó ấy, anh Nguyễn Văn Cả, Công ty TNHH Giày Kim Xương (phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ trong đợt cao điểm dịch bệnh vừa qua, bên cạnh các gói hỗ trợ từ chính sách của tỉnh, Trung ương, các cấp công đoàn trong tỉnh cũng không ngại khó khăn, bất chấp hiểm nguy lao vào vùng dịch, đến từng khu trọ để hỗ trợ gạo, mì gói, rau củ và nhu yếu phẩm. Họ chăm lo cho NLĐ như người thân của mình. Điều này làm cho NLD xa quê thấy được tình người Bình Dương sâu đậm và không bị bỏ rơi.
Không để ai bị bỏ lại phía sau, ngay sau đại dịch, Bình Dương đã có các chương trình nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau do Covid-19 để lại với các chương trình, như: “Cùng em đi tiếp cuộc đời”; trao sổ tiết kiệm công đoàn cho con những công đoàn viên mất do Covid-19; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng sổ tiết kiệm cho trẻ em; “Bảo trợ dài hạn” của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho trẻ em mồ côi có người thân mất vì Covid-19; “Tiếp sức đến trường” hỗ trợ các em học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn; “phiên chợ 0 đồng”… Các chương trình này đều có sự chung tay của cộng đồng xã hội, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, lan tỏa tình người ấm áp trong cộng đồng.
Cùng người lao động an cư, lạc nghiệp
Với NLĐ xa quê, cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người không hề dễ dàng. Họ luôn phải đối diện với áp lực công việc, các khoản chi tiêu trong cuộc sống. Với nhiều người, đó có thể là tiền đóng học phí cho con, tiền chữa bệnh cho vợ, chồng hay khoản tiền gửi về cho gia đình, cha mẹ ngoài quê. Thấu hiểu được cái khó của NLĐ, Bình Dương đã xây dựng nhiều mô hình và có các chương trình hỗ trợ phù hợp, mà nổi bật trong đó là các chương trình hỗ trợ về nhà ở. Nhiều “Mái ấm công đoàn” đã được tạo dựng, hàng ngàn căn nhà ở xã hội đã đến tay NLĐ. Niềm hạnh phúc đã hiện rõ trên khuôn mặt của những người có nhà và họ càng thấu hiểu cái nghĩa tình của vùng đấ t Bình Dương.
Các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương của tỉnh luôn có những mô hình hay, cách làm thiết thực để hỗ trợ người lao động
Chị Nguyễn Quỳnh Thúy, ngụ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Tôi thấy NLĐ tại Bình Dương được các cấp quan tâm, chăm lo mọi mặt. Bình Dương có các chính sách rất hay để giúp NLĐ ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với công việc. Tôi ấn tượng với các dự án nhà ở xã hội cho NLĐ có thu nhập thấp mà Bình Dương đã thực hiện trong nhiều năm qua. Với NLĐ xa quê, việc sở hữu một căn nhà tại phố thị là điều không hề dễ dàng. Nhưng Bình Dương đã giúp họ thực hiện được giấc mơ an cư, lập nghiệp của mình”.
Có lẽ suy nghĩ của chị Thúy cũng là suy nghĩ chung của nhiều người vào lúc này khi Bình Dương đã nỗ lực không ngừng để NLĐ xây được tổ ấm. Và còn rất nhiều mô hình hỗ trợ NLĐ tại các địa phương. Đó là những “phiên chợ 0 đồng”, những suất ăn miễn phí, những tấm thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hay là những phần quà trao gửi đến NLĐ mỗi dịp lễ, tết. Tất cả đều được trao đi với tình yêu thương và luôn có sự chung tay của cộng đồng. Những con người Bình Dương hào sảng, nghĩa tình luôn xem những con người từ các vùng đất khác đến là những người thân quen và luôn sẵn sàng rộng lòng giúp đỡ.
Người ta vẫn thường nói Bình Dương là vùng đất hội tụ, người Bình Dương nghĩa tình, mến khách. Trong rất nhiều yếu tố hội tụ thì việc hội tụ được những trái tim nhân ái, những “tấm lòng vàng” là điều rất đáng trân quý của vùng đất này. Những trái tim ấy, những trái tim đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn vẫn đang chất chứa đầy yêu thương và nung nấu nhiều chương trình, hoạt động để những người con xa xứ không chạnh lòng mỗi khi mai nở, xuân về và để thêm yêu thương quê hương thứ hai Bình Dương.
Người ta vẫn thường nói Bình Dương là vùng đất hội tụ, người Bình Dương nghĩa tình, mến khách. Trong rất nhiều yếu tố hội tụ thì việc hội tụ được những trái tim nhân ái, những “tấm lòng vàng” là điều rất đáng trân quý của vùng đất này. Những trái tim ấy, những trái tim đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn vẫn đang chất chứa đầy yêu thương và nung nấu nhiều chương trình, hoạt động để những người con xa xứ không chạnh lòng mỗi khi mai nở, xuân về và để thêm yêu thương quê hương thứ hai Bình Dương. |
CAO SƠN