Chờ đợi một thị trường vàng trang sức cạnh tranh lành mạnh

Thứ hai, ngày 09/06/2014

NTD vẫn chịu thiệt

Cách đây vài năm, bà Phạm Thị Minh Nguyệt ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An mua một chiếc lắc tay gần 4,2 chỉ vàng 18K tại một tiệm vàng ở chợ Lái Thiêu. Nay do cần tiền, bà mang chiếc lắc tay này đến một tiệm vàng trên đường ĐT745, TX.Thuận An để bán nhưng bà được tiệm vàng này bảo không mua “vàng yếu” hoặc phải phá hủy hoàn toàn, sau đó mới xác định giá vàng mua vào.  

 Thử hàm lượng vàng nữ trang bằng máy phân tích tỷ trọng vàng tại cửa hàng vàng Kim Châu, TX.Thuận An

Không đồng ý vì bị ép giá, bà Nguyệt mang món nữ trang này đến một tiệm vàng khác ở TX.Thuận An thì được thu vào với giá gần 8,1 triệu đồng. Tuy nhiên, bà vẫn không đồng ý vì giá vàng thu vào thấp hơn giá cửa hàng đang niêm yết. Bà được tiệm vàng này cho biết chỉ mua vàng theo trọng lượng, không mua theo tuổi; mặt khác, đây là vàng bộng nên vàng thu vào với giá rẻ. “Khi mua tôi trả tiền cho giá vàng 18K, đúng 70%, họ cũng có ghi rõ trong hóa đơn và đóng dấu trên sản phẩm. Nhưng họ niêm yết giá một đằng, thu mua giá một nẻo, dù biết rõ đó là vàng do mình sản xuất”, bà Nguyệt bức xúc.

Không chỉ bị thiệt vì mua đắt bán rẻ, hiện NTD còn chịu thiệt vì nữ trang không đúng tuổi vẫn bán trên thị trường, trong khi lợi ích thiết thực từ Thông tư 22 nhằm bảo đảm quyền lợi NTD đang được thực thi. Ghi nhận tại các tiệm vàng quanh khu vực TP.Thủ Dầu Một, chợ Lái Thiêu cho thấy, bên cạnh một số tiệm vàng có niêm yết giá rõ ràng, quy cách ghi tem, mẫu mã, quy cách công bố tuổi vàng, nhiều tiệm vàng còn lập lờ chuẩn vàng 18K khi bày bán sản phẩm cũ, tem cũ và giá cũ. Chẳng hạn, một số sản phẩm lắc tay, nhẫn được đeo thẻ là vàng 18K, 70% tuổi, nhưng khi được hỏi, người bán nói đây là vàng 7,5 tuổi…

Vẫn là đạo đức kinh doanh

Trao đổi với chúng tôi, chủ một số tiệm vàng cho biết, sở dĩ xuất hiện các con số 6,1, 6,5 hay 70% hoặc các mã số SL, NS, CT, CS... đều là quy ước tuổi vàng, mỗi nơi mỗi kiểu, không ai giống ai. Tuy nhiên, đây chỉ là “tuổi giả” vì tuổi thật của vàng luôn thấp hơn từ 1 - 3 tuổi, thậm chí có nơi bán cho NTD với giá vàng 7 tuổi nhưng thực tế chỉ còn 5 tuổi. Do vậy, số vàng “yếu tuổi” này phải điều chỉnh theo đúng tuổi vàng để đối phó ngành chức năng.

Giới kinh doanh vàng thì cho biết hiện nay phần lớn lượng vàng trang sức tại thị trường Bình Dương được lấy về từ đầu mối tại TP.HCM nên việc giải quyết số hàng tồn đang gặp khó khăn. Chủ một tiệm vàng tại đường Cô Bắc, khu phố Bình Minh, phường Dĩ An, TX.Dĩ An, lý giải chuyện trang sức pha đồng, bạc hay thau thuộc về phạm vi nghề nghiệp. Khi sản xuất vàng trang sức, muốn vàng cứng hơn để tạo dáng sản phẩm đẹp, tinh xảo thì phải có vẩy hàn, nghĩa là pha vàng với một số kim loại khác với tỷ lệ nhất định và phải giữ tối đa độ tinh khiết của vàng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, cạnh tranh, lại không có cơ quan kiểm định nên ngay cả tiệm vàng lấy hàng cũng bị các đầu mối lớn “ăn gian” tuổi vàng từ 1 - 2 lai/sản phẩm. Vì thế, người mua hàng hoàn toàn không thể nhận biết được việc vàng có chứa đồng hay không.

Về các quy định của Thông tư 22, nhiều tiệm vàng trên địa bàn tỉnh cho rằng đây là điều cần thiết vì bảo đảm quyền lợi NTD, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhãn hiệu vàng trong bối cảnh thị trường vàng trang sức hết sức lộn xộn như vừa qua. Tuy nhiên, nhiều quy định quá chi tiết và các công cụ pháp lý chưa được sẵn sàng đã gây khó cho người sản xuất và kinh doanh vàng.

Ông Huỳnh Thanh Châu, chủ một tiệm vàng bạc đá quý tại TX.Thuận An, cho biết về cơ bản, các sản phẩm vàng nữ trang đang bày bán trong cửa hàng của ông đều đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, trọng lượng, ghi ký hiệu trên sản phẩm. “Riêng về sai số, tôi không dám nói là đạt chuẩn 100% vì trước đây quy định về sai số khác với Thông tư 22 này. Do đó, các cơ quan quản lý nên tập trung hướng dẫn, phổ biến cụ thể các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, cân đo. Còn nếu bây giờ mang sản phẩm đi kiểm định thì chắc chắn sẽ có sự sai lệch lớn vì cân phân tích tỷ trọng vàng hoàn toàn cho kết quả rất khác so với máy quang phổ”, ông Châu nói.

THANH HỒNG