Chợ đêm công nhân: Nỗi lo chất lượng

Thứ tư, ngày 23/12/2015

(BDO)

Bình Dương có hơn 900.000 lao động ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của công nhân (CN), tại các khu đông CN sinh sống, chợ đêm mọc lên như nấm, bày bán đủ loại hàng hóa. Có nơi mua sắm, vui chơi giải trí, CN cảm thấy thoải mái nhưng cũng lắm nỗi lo về chất lượng các mặt hàng. Họ mong các ngành chức năng xem xét, kiểm tra chất lượng các mặt hàng để không “tiền mất tật mang”.

 

 Công nhân hy vọng các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra chất lượng sản phẩm để công nhân được mua hàng giá rẻ, chất lượng. Ảnh: T.LÝ

Phục vụ nhu cầu của CN

Trời càng lúc càng về khuya nhưng tại chợ đêm Việt Lập (phường An Bình, TX.Dĩ An) vẫn đông đúc kẻ bán, người mua. Các mặt hàng bán ở đây chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ trang sức… phục vụ nhu cầu làm đẹp cho CN. Chị Nguyễn Ngọc Hân, chủ sạp bán quần áo, cho biết trước đây khi chưa có chợ Việt Lập CN muốn mua hàng phải lên chợ Dĩ An. Từ ngày có chợ Việt Lập đã đáp ứng nhu cầu mua sắm cho CN ở KCN Sóng Thần và KCN Bình Đường.

Dọc theo các con đường N1, Đ3, Đ4, Đ10, Đ12 thuộc khu phố 4, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát cũng có một khu phố mua sắm dành cho CN. Trên các tuyến đường này, những cửa hàng quần áo, giày dép được trang trí lộng lẫy, những ánh đèn thắp sáng cả một vùng. Trời vừa chập choạng tối, xung quanh các con đường vào KCN Mỹ Phước 1 luôn nhộn nhịp cảnh CN với những túi hàng hóa trên tay. Chị Lê Kim Xuyến, CN Công ty Dệt Huge tâm sự: “Sau một năm làm việc xa nhà, ngày tết về quê có món quà trên tay làm quà cho những người thân cảm thấy vui, bản thân mình cũng hạnh phúc. Thế nhưng với đồng lương ít ỏi, chúng tôi không có điều kiện để đi mua sắm tại các trung tâm lớn nên khu chợ này đã giúp chúng tôi mua được những món quà ưng ý để tặng gia đình, người thân trong dịp tết sắp đến”.

Không những đến chợ “tậu” cho mình những bộ đồ đẹp, món hàng gia dụng, hay món quà tết cho người thân, các chợ đêm ra đời cũng đã đáp ứng nhu cầu giải trí cho CN sau giờ làm việc. Do đó ngoài các mặt hàng cần thiết, các chợ đêm còn bán đồ ăn, nước giải khát để CN “dừng chân” như chợ đêm Lái Thiêu (ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An), chợ Phú Chánh A (TX.Tân Uyên), chợ đêm Bạch Đằng (TP.Thủ Dầu Một)… Các chợ đêm còn quy hoạch trật tự, mỗi gian hàng nối tiếp nhau thành từng dãy và được chia thành khu riêng biệt. Chợ bố trí nơi giữ xe để người đi chợ vào tham quan, mua sắm. Các chợ đều có Ban quản lý để cử người theo dõi hoạt động mua bán đúng giá, nhắc nhở bà con tiểu thương giữ thông thoáng lối đi, phòng ngừa kẻ gian móc túi nên giúp người mua yên tâm. “Sau giờ làm chúng tôi thường rủ nhau đi chợ để mua những thứ cần thiết cho bản thân, được gặp gỡ bạn bè, vui chơi, ăn uống. Có những khu chợ đêm như thế này giúp chúng tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống”, bạn Lan Hương, CN Công ty Phú Xuân (TP.Thủ Dầu Một) nói.

Lo về chất lượng

Đáp ứng nhu cầu mua sắm của CN nên những chợ đêm ở Bình Dương bán các mặt hàng với giá cả khá bình dân. Các loại quần áo thời trang có giá dao động từ 50.000 đến vài trăm ngàn đồng/cái. Thậm chí có những gian hàng bán các loại áo thun với giá chỉ 35.000 đồng/cái hay 100.000 đồng/3 cái. Quần jean nữ giá từ 70.000 - 150.000 đồng (tùy theo loại). Các mặt hàng được bày bán chủ yếu lấy từ các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh. Các sản phẩm này phần lớn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, khi mua hàng CN chỉ nhìn mẫu mã, ít ai quan tâm đến chất lượng và sự an toàn khi sử dụng sản phẩm giárẻnày. Chị Nguyễn Ngọc Hân, chủ sạp bán quần áo tại chợ Việt Lập cho biết, hàng chị bán như quần áo, giày dép, mắt kính đều được lấy từ TP.Hồ Chí Minh. Thấy hàng rẻ, dễ bán nên ai giới thiệu mối nào rẻ thì chị lấy bán chứ không mấy để ý đến nguồn gốc. Với lại, thuận mua, vừa bán, “tiền nào của nấy” nên chị chưa gặp CN nào hỏi xuất xứ, chất lượng các sản phẩm.

Cũng chính tâm lý thích hàng rẻ, nhiều CN đã phải hối hận khi mua hàng không xem chất lượng. Trường hợp anh Nguyễn Văn Hải, khách mua hàng tại chợ đêm Phú Chánh A nói, nghe giới thiệu đồng hồ đeo tay chất lượng, đập không bể mặt kính, không thấm nước, anh liền mua một cái với giá 150.000 đồng. Thế nhưng, đeo được 2 ngày thì đồng hồ không chạy và mặt kính bị trầy xước. Anh mang ra tiệm sửa đồng hồ mới biết chỉ có vỏ là mới, bên trong là hàng cũ, muốn sửa lại phải thay với giá 100.000 đồng. Theo lời người bán, nếu không đúng như giới thiệu có thể đem đổi lại, lúc này anh đến đổi thì không gặp được người bán. Anh hỏi mới biết, người bán đồng hồ không còn bán ở đây nữa, không đăng ký kinh doanh tại chợ.

Anh Hải chỉ là một trong số những CN bị lừa do “tin tưởng” vào chất lượng các mặt hàng bán tại chợ. Sau những lần “mua nhầm”, CN cảm thấy hoang mang, lo lắng và đề nghị các ngành tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm. Anh Hải nói: “Tôi đã bị lừa mua phải hàng giả. Cũng may đồng hồ đeo tay không ảnh hưởng đến sức khỏe chứ gặp các loại mỹ phẩm giả dễ gây bệnh cho mình. Do đó, tôi mong các ngành chức năng vào cuộc giúp chúng tôi có được nơi mua sắm an toàn, hàng rẻ và chất lượng”.

Trước phản ánh của CN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xem xét, kiểm tra chất lượng các mặt hàng bày bán tại các chợ, các cửa hàng, nhất là chợ đêm cho CN. Riêng ban quản lý các chợ cũng được UBND các địa phương chỉ đạo nắm được số hộ kinh doanh và các loại mặt hàng để kiểm soát giá cả, chất lượng tránh để CN chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã phối hợp tổ chức phiên chợ CN giúp mọi người được tiếp cận hàng hóa giá rẻ, chất lượng.

T.LÝ

Từ khóa: