Chợ công nhân - Bức tranh muôn màu

Thứ bảy, ngày 20/07/2024

(BDO) Giữa lòng “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương với hơn 30 khu, cụm công nghiệp, không khó để chúng ta tìm thấy những khu chợ từ sầm uất tới bình dân, mộc mạc, nơi tập trung đông đảo công nhân đi làm về mỗi buổi chiều tự chọn cho mình những thực phẩm phục vụ bữa cơm tối...


Anh Trần Trọng Nghĩa sau giờ tan ca tranh thủ ghé chợ mua rau, củ về nấu bữa cơm tối

Nhộn nhịp giờ tan ca

3 giờ chiều, những tiểu thương chợ Thông Dụng, phường An Phú, TP.Thuận An rôm rả chuyện trò, nhanh tay soạn hàng để phục vụ công nhân khi họ tan ca trở về phòng trọ. Bà Hà Thị Thu, tiểu thương lâu năm ở chợ, vừa đon đả mời chào khách ghé quầy thịt heo tươi rói bà đã soạn hàng tươm tất, vừa tâm sự với chúng tôi: “Tôi quê ở Thanh Hóa, vào Bình Dương lập nghiệp cũng đã hơn 10 năm. Hồi ấy nghe người ta bảo đất Bình Dương dễ sống, cứ đến những khu nhà trọ, khu công nghiệp buôn bán thì không lo hàng hóa ế ẩm bởi lực lượng công nhân đông lắm. Quả đúng như vậy, từ hồi buôn bán ở chợ này, tôi thấy chỉ gặp khó khăn nhất ở giai đoạn đại dịch Covid-19, còn lại cứ bán đều đều cho công nhân. Đặc biệt buôn bán ở chợ công nhân có chút khác biệt ở chợ truyền thống đó là bán đắt nhất lúc về chiều. Cứ giờ tan ca, công nhân tỏa ra, chợ đông vui tấp nập hẳn”.

Bước ra phía rìa chợ, chúng tôi bắt gặp nhiều tiểu thương buôn bán trên những chiếc xe ba gác chở đầy đồ hàng bông, rau củ với bảng giá công khai khá rẻ, chỉ 10k, 15k (10.000 đồng, 15.000 đồng). Thoăn thoắt đôi tay cắt những lá sâu, dập, anh Nguyễn Ngọc Quyết, một người bán hàng, nói: “Sở dĩ bán hàng rẻ không phải hàng kém chất lượng mà do tôi chọn hình thức bán trên xe giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, từ đó hàng hóa cũng rẻ hơn giúp công nhân dễ mua, dễ lựa. Những năm qua, tình hình kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng thu nhập, chi tiêu cho bữa cơm của công nhân. Vì thế tâm lý họ luôn muốn chọn được thực phẩm tốt, giá phải chăng”.

4 giờ 30 phút, chợ Thông Dụng trở nên tấp nập người mua kẻ bán. Chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình công nhân đèo nhau đi chợ. Anh Trần Trọng Nghĩa, công nhân Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP I), chia sẻ: “Tôi hay ghé chợ sau giờ tan ca để chọn mua thực phẩm cho bữa cơm chiều. Ở đây tiện chỗ là gần công ty, gần nhà trọ, chiều về tấp vô chợ tí xíu là có bữa cơm”.

Quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, anh Nghĩa đến Bình Dương lập nghiệp năm 2015, hiện tại vợ chồng anh làm công nhân ở VSIP I. Với thu nhập mỗi người từ 8 đến 10 triệu đồng/1 tháng, anh chị gói ghém chi tiêu trong khoảng 60 đến 80.000 đồng cho bữa cơm gia đình.

Bức tranh muôn màu

Đến thăm chợ Đồng An 2, phường Bình Hòa, TP.Thuận An, chúng tôi ngạc nhiên có những dãy nhà trọ nằm phía sau chợ. Tức là mỗi khi công nhân đi làm về đều phải băng ngang qua chợ để về phòng trọ. Chị Phạm Bích Lệ, công nhân Khu công nghiệp Đồng An, nói: “Mỗi chiều về ngang qua khu chợ vui lắm, nhiều khi không cần mua gì đi qua cũng thấy rộn ràng, nhộn nhịp. Mùi thức ăn, tiếng cười nói, tiếng mặc cả của người mua kẻ bán, khiến tôi thấy nơi này lúc nào cũng sôi động, không buồn như ở dưới quê”.

Chị Lệ sống ở Bình Dương cũng đã gần 20 năm, từ hồi độc thân đến nay đã lập gia đình, các con cũng đã trưởng thành. Chị nói lâu dần chị đã quen lối sống năng động, nhộn nhịp của Bình Dương, nên chỉ muốn sống ở đây mà chẳng muốn đi đâu nữa.

Chợ công nhân không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của những người lao động sau một ngày làm việc vất vả. Dạo quanh khu chợ, có thể bắt gặp những hình ảnh đời thường giản dị nhưng đầy ý nghĩa: Những người phụ nữ tất bật chọn mua thực phẩm cho bữa tối gia đình, những đứa trẻ háo hức theo mẹ đi chợ, hay những nhóm bạn công nhân tụ tập tán gẫu, chia sẻ những câu chuyện buồn vui bên gánh hàng rong.

Bình Dương hiện tại có hơn 30 khu, cụm công nghiệp lớn nhỏ, với hàng triệu lao động xa quê đến sinh sống, lập nghiệp. Hầu hết ở mỗi khu, cụm công nghiệp đều có những khu chợ công nhân, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân lao động. Không chỉ bày bán đa dạng các mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt cá mà còn có cả quần áo, đồ dùng gia đình, đồ điện tử.

Bên cạnh đó, những trung tâm thương mại, siêu thị lớn, nhỏ và cả hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, những khu chợ tự phát, sạp tạp hóa nhỏ trước mỗi khu nhà trọ… đều bán đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu. Tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh sinh động, đầy màu sắc cho lĩnh vực thương mại của tỉnh…

 NGỌC NHƯ - THÀNH THÁI