“Cho” cây dừa thêm cơ hội

Thứ hai, ngày 05/10/2015

(BDO) Anh Nguyễn Xuân Hải, người có thâm niên gần 20 năm làm nghề hái dừa ở TX.Thuận An, buồn bã cho biết nghề hái dừa ở Bình Dương sắp tới chắc không còn ai muốn làm nữa. Theo anh cách đây vài năm, mỗi ngày anh thu nhập 600.000 - 700.000 đồng từ công việc hái dừa và đem bỏ mối. Bây giờ nguồn thu đó chỉ còn khoảng 200.000 đồng/ngày, mà nguồn dừa ngày càng thu hẹp dần vì nhiều người chặt bỏ dừa để xây dựng nhà cửa. Ở khu vực nơi anh sinh sống giờ đây chỉ còn vài ba gia đình gắn bó với nghề này.

Nhớ lại thời hoàng kim của nghề hái dừa, ông Huỳnh Mạnh Hùng, có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề này ở TX.Thuận An, không khỏi chạnh lòng. Ông Hùng cho biết trước đây, riêng tại khu vực Lái Thiêu có tới hàng chục gia đình “sống khỏe” và làm giàu từ nghề hái dừa. Dừa ở Bình Dương có rất nhiều giống chất lượng như dừa xiêm, dừa lửa, dừa Tam Quan…, đặc biệt là dừa dâu nước thanh ngọt, cơm dừa giòn nổi tiếng gần xa. Theo tốc độ đô thị hóa, nhiều vườn dừa bị chặt bỏ đi, nay lại thêm nguồn dừa từ Bến Tre tràn ngập thị trường, nhiều gia đình ở Bình Dương không còn mặn mà với cây dừa nữa nên chặt bỏ làm nhà xưởng, xây phòng trọ.

Tại Hội thảo Phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức tại xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên vừa qua, nhiều ý kiến đóng góp cần khôi phục lại vườn trái cây, trong đó đa dạng hóa chủng loại trái cây là việc làm hết sức cần thiết. Một ý kiến tại hội thảo rất đáng được chú ý là ngay tại vườn chuyên canh cây bưởi xã Bạch Đằng nên trồng thêm cây dừa để tạo bóng mát khi du khách tham quan và thưởng thức bưởi Bạch Đằng. Bởi đặc thù cây bưởi thân không cao và tán lá không rộng như nhiều loại cây trồng khác.

Dừa vừa cho bóng mát, có trái quanh năm, có tác dụng lọc không khí và làm giảm tiếng ồn. Chính vì thế mà TP.Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án trồng hàng ngàn cây dừa tại các tuyến đường chính và ven đô nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch và lọc bớt tiếng ồn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Bí thư Đảng ủy xã An Sơn, TX.Thuận An, cho biết An Sơn nổi tiếng với đặc sản dâu, măng cụt, sầu riêng… Xã cũng đang tính đến việc tăng diện tích trồng dừa để vừa tạo thêm bóng mát cho du khách khi tham quan vườn cây ăn trái, vừa đa dạng loại hình cây trái của vùng cây ăn quả nằm ven sông Sài Gòn này.

Ngẫm lại chuyện cây dừa, nghề hái dừa và tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay cũng có nhiều mối tương quan không thể tách rời nhau được. Bình Dương đang định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững thì việc chăm chút từng sản vật như trái dừa cũng là điều cần sự quan tâm của các cấp, các ngành.

 

 HOÀNG PHONG

Từ khóa: