Chính trường Mỹ xuất hiện một “Obama mới”?

Thứ hai, ngày 04/09/2017

(BDO) Khi mùa tranh cử sơ bộ 2018 đang chuẩn bị khởi động, trên báo chí Mỹ đã xuất hiện những bài viết mang tính “giới thiệu” về những nhân tố mới có thể làm nên những thay đổi đột biến nào đó trong các cuộc đua tranh, không chỉ chiếc ghế nghị sĩ, mà cả ghế Thống đốc bang.

Abdul El-Sayed là một trong những nhân tố mới như thế. Ông được báo chí mệnh danh là “Obama mới” trên chính trường tham gia tranh cử khi tuổi đời còn rất trẻ và khát khao mang đến sự thay đổi cho nền chính trị Mỹ.

Chính khách trẻ Abdul El-Sayed sinh năm 1984 (33 tuổi) tại thành phố Detroit, bang Michigan, có cha mẹ là người Ai Cập di cư sang Mỹ trong thập niên 70 thế kỷ XX. El-Sayed tốt nghiệp Đại học Michigan, rồi sau đó theo học trường Oriel Đại học Oxford với học bổng Rhodes, lấy bằng tiến sĩ Y tế công cộng vào năm 2011.


Abdul El-Sayed và vợ, Sarah Jukaku.

Sau khi tốt nghiệp, El-Sayed về làm việc tại Khoa Bệnh lý học Đại học Columbia và làm Cục trưởng Cục Y tế thành phố Detroit quê hương ông. El-Sayed vừa xin thôi việc tại Cục Y tế thành phố Detroit sau khi tuyên bố ra tranh cử chức Thống đốc bang Michigan.

So với những chính khách trẻ thuộc đảng Dân chủ trong giai đoạn gần đây thì El-Sayed là người trẻ nhất kể từ thời ông Bill Clinton bắt đầu tham gia chính trường vào năm 1974. Ông Clinton làm Bộ trưởng cấp tiểu bang khi chưa tròn 30 tuổi, và trở thành Thống đốc bang Arkansas lúc 32 tuổi. Còn ông Obama đắc cử nghị sĩ bang Illinois lúc tròn 35 tuổi.

Theo một số nhà bình luận, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm tới, El-Sayed không chỉ sẽ trở thành thống đốc bang trẻ tuổi mà còn là thống đốc người Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Đây là vấn đề mang tính lịch sử, nó sẽ đánh dấu sự đột biến từ nhân tố mới và sẽ làm thay đổi sâu sắc hơn nữa nền chính trị của nước Mỹ.

Khi ông Obama lên làm Tổng thống Mỹ vào năm 2009, ông đã tạo ra một sự thay đổi lớn, tạo niềm hứng khởi, gợi hứng cho hàng triệu người Mỹ, hàng triệu người thuộc các nước đang phát triển trên thế giới. Obama mang đến hy vọng mọi chuyện đều có thể nếu chúng ta dám ước mơ và thực hiện ước mơ đó.

El-Sayed được so sánh với Obama có lẽ là do phong cách, giọng điệu, cách thể hiện khát khao vươn tới mục tiêu cao cả của mình, một người có thể tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng trong đời sống chính trị Mỹ.


“Tự sướng” đăng Facebook trong một chuyến vận động cử tri.

Việc El-Sayed là một người Hồi giáo xuất thân gia đình có gốc gác Bắc Phi và Trung Đông đang được xem là vấn đề nhạy cảm đối với một chính khách trẻ tuổi như ông. Một số website của thành phần cực hữu ở Mỹ đã đưa Hồi giáo của El-Sayed thành vấn đề đáng quan tâm để hù dọa những người kém nắm bắt thông tin và những người mang tâm lý sợ sệt.

Tại một cuộc họp mặt cử tri địa phương gần đây, một số người đã hỏi thẳng El-Sayed rằng liệu ông “có phải là ngọn giáo truyền bá Luật Hồi giáo Sharia vào Mỹ không?”. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay, với nổi ám ảnh khủng bố Hồi giáo chưa nguôi và phong trào kỳ thị chủng tộc của thành phần da trắng cực hữu đang trỗi dậy làm cho nước Mỹ trở nên bất an hơn bao giờ hết.

Câu trả lời của El-Sayed trước những câu hỏi ấy luôn là “Không, không đời nào”. Quan điểm của El-Sayed rất rõ ràng, “là người Hồi giáo” và “Hồi giáo cực đoan” là hai chuyện khác nhau.

Tình hình hiện tại cho thấy El-Sayed có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm tới. Tính cách, các chính sách tranh cử và bộ máy vận động tranh cử của El-Sayed đều đủ lớn, đủ mạnh để bảo đảm giúp ông theo đuổi cuộc đua đến cùng. Ban vận động của El-Sayed gồm những người thuộc đủ mọi thành phần xuất thân, tốt nghiệp Đại học Harvard cũng có, dân công nghệ cũng có, nhưng điều quan trọng là họ đều là những người trẻ, có phong cách vui nhộn và thông minh, hoạt bát.

Đáng chú ý, nhiều người trong ban vận động của El-Sayed từng tham gia ban vận động của ông Sanders, vì thế cách vận động quyên góp tài chính của ông cũng được so sánh tương tự như cách vận động của cựu ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders.

Từ đây đến cuộc bầu cử sơ bộ còn khoảng 1 năm, nhưng hiện tại El-Sayed đã vận động quyên góp được 1 triệu USD cho két sắt ban vận động. Cũng như Sanders, El-Sayed không chấp nhận việc doanh nghiệp dùng đồng tiền tài trợ cho hoạt động chính trị để tạo ảnh hưởng nhằm mục đích trục lợi. Thay vì thế, ông vận động các khoản quyên góp cá nhân, số tiền quyên góp không lớn nhưng chắc chắn.

Nhưng khác với Sanders, những gì được cho là thất bại của Sanders thì El-Sayed sẽ tránh, không mắc phải. Đây có lẽ là một lợi thế có thể giúp ông chiếm ưu thế trong cuộc đua. “Tôi đang cố gắng nhắc mọi người nhớ rằng hệ thống của chúng ta hiện nay đang bị tha hóa bởi một nhóm người rất nhỏ, rất quyền lực và rất giàu có. Những người này đã dùng tiền mua chuộc các chính trị gia của chúng ta” - El-Sayed nói trong một cuộc tập hợp cử tri ở Detroit.


El-Sayed nói chuyện với các tình nguyện viên ở Ann Arbor, Detroit.

Về phong cách vận động, giọng điệu vận động cử tri, El-Sayed được ví với ông Obama thời mới tham gia tranh cử nghị sĩ. Mỗi cuộc nói chuyện của Obama đều thu hút người dự khán chật kín. Còn El-Sayed, tuy chưa thể sánh bằng Obama nhưng cũng đang cho thấy một sức hút ngày càng tăng trong cộng đồng cử tri địa phương. Một phụ nữ đến dự khán cuộc nói chuyện của El-Sayed ở Chicago đã thổ lộ rằng đã lâu lắm rồi, kể từ thời ông Obama tranh cử, bà mới được dự nghe nói chuyện đông vui và có cảm giác thỏa mãn như thế này.

Sức mạnh của bộ máy vận động của El-Sayed đủ lớn để có thể giúp ông “phòng thủ vững chắc” trước sự công kích của thành phần bài xích Hồi giáo ở bang Michigan. Đây là một vấn đề nghiêm trọng ở nước Mỹ nói chung chứ không riêng đối với bang Michigan và bản thân El-Sayed.

Theo báo cáo của FBI, kể từ tháng 4-2013, toàn nước Mỹ đã xảy ra 370 vụ việc tấn công thù hằn nhắm vào các thánh đường Hồi giáo và các trung tâm cộng đồng của người Hồi giáo. Trong đó, chỉ riêng năm 2015 đã xảy ra 257 vụ phạm tội chống người Hồi giáo ở Mỹ. Ở bang Michigan, chủ tịch một thị trấn nhỏ ở phía bắc bang cũng phát động kêu gọi “giết người Hồi giáo, không chừa một ai”.

Trong tình hình đó, El-Sayed buộc phải thận trọng đề phòng, văn phòng ban vận động tranh cử của ông được canh phòng cẩn thận và không để cho nhiều người biết đến. Nhân viên làm việc trong văn phòng này buộc phải thông báo với gia đình về những mối nguy hiểm mà họ có thể gặp phải trước khi họ được nhận vào làm việc. 

Theo CAND