Chính thức công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2015
(BDO)
So với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014, kỳ thi năm 2015 có rất nhiều điểm mới. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Chiều tối nay, ngày 26-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố quy chế kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015 sau nhiều lần lỡ hẹn với thí sinh.
So với dự thảo trước đó, quy chế chính thức có nhiều thay đổi như quy định vẫn giữ thang điểm 10, có hai loại hình cụm thi…
Giữ thang điểm 10
Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định vẫn giữ nguyên thang điểm 10 như mọi năm thay vì chuyển sang thang điểm 20 như dự kiến trước đó.
Cụ thể, bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm. Với các môn trắc nghiệm, tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25 điểm) cho từng bài thi trắc nghiệm.
Có thể thi tốt nghiệp tại trường trung học phổ thông
Theo quy chế của Bộ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 sẽ có hai loại hình cụm thi.
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường đại học chủ trì, phối hợp với sở giáo dục và đào tạo.
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với trường đại học.
Trộn thí sinh hai tỉnh
Mỗi hội đồng thi có một mã số riêng và được thống nhất trong toàn quốc. Ở mỗi hội đồng thi. Việc lập danh sách tất cả thí sinh dự thi được thực hiện theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh để đánh số báo danh và theo thứ từng môn thi để xếp phòng thi.
Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Số báo danh của thí sinh gồm phần chữ là mã số của hội đồng thi và phần số có 6 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của hội đồng thi, đảm bảo trong hội đồng thi không có thí sinh trùng số báo danh.
Việc xếp phòng thi theo môn thi. Mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang. Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 thí sinh; phòng thi cuối cùng của buổi thi môn Ngoại ngữ (ở cùng địa điểm coi thi), được xếp các thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo môn
Hạn chót đăng ký dự thi là trước ngày 30-4
Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30-4 hằng năm. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị./.
Theo TTXVN