Chính sách tín dụng ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác: Thiết thực và phát huy tốt hiệu quả
(BDO)
Ông Nguyễn Lộc Hà (bìa trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng bức trướng của UBND tỉnh cho NHCSXH tỉnh về thành tích trong 20 năm thực hiện tín dụng đối với người nghèo. Ảnh: QUANG TÁM
Những con số ấn tượng
Trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ- CP, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phối hợp với NHCSXH tỉnh thực hiện tốt chính sách ưu đãi cho đối tượng người nghèo, cận nghèo và người mới thoát nghèo. Các chương trình vay vốn tín dụng từ NHCSXH tỉnh không chỉ góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn tín dụng được các hội, đoàn thể nhận ủy thác đã đến tay hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo. Tổng doanh số tiền NHCSXH tỉnh cho vay trong 20 năm qua đạt hơn 10.700 tỷ đồng, với 445.610 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay; tổng doanh số thu nợ gần 6.400 tỷ đồng; tổng dư nợ tính đến ngày 31-7-2022 đạt hơn 4.440 tỷ đồng, tăng hơn 4.358 tỷ đồng so với năm 2003.
Trong 20 năm qua, NHCSXH tỉnh và các chi nhánh cấp huyện đã hỗ trợ cho 66.805 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn; từ đó tạo việc làm cho 181.362 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất. Các đơn vị đã giải quyết vốn vay cho 43.585 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 141.049 lượt hộ vay vốn để xây dựng 282.098 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở xã hội, mua nhà xã hội với 707 căn nhà; 237 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 124.103 người lao động. Hoạt động tín dụng này đã góp phần giúp 43.627 hộ thoát nghèo, không có hộ tái nghèo.
Mở rộng mạng lưới tổ tiết kiệm, tăng cường giám sát
Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, NHCSHX tỉnh đã mở điểm giao dịch, phiên giao dịch tại 89/91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và tổ chức vào ngày cố định hàng tháng; ít nhất 1 tháng 1 lần kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Tại đây, ngân hàng thực hiện giao dịch giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu chi tiết kiệm... Cách làm này đỡ mất thời gian, được người dân đồng tình ủng hộ, mang lại hiệu quả cao, là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân đạt thành tích cao trong việc thực hiện tín dụng đối với hộ nghèo
Về mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn (TT&VV), NHCSHX tỉnh không ngừng phát triển mở rộng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.640 tổ TK&VV hoạt động tại tất cả các khu, ấp trên địa bàn. Với trung bình 47 thành viên/ tổ, 50 triệu đồng/thành viên và 2,360 tỷ đồng/tổ. NHCSHX tỉnh đã đưa ra chỉ tiêu để đánh giá một cách hiệu quả trong công tác cho vay, thu nợ, từ đó đem lại hiệu quả cao. Tổ TT&VV trực tiếp liên hệ, tiếp xúc với người vay vốn, nên có vai trò rất quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng, là cầu nối giữa hệ thống ngân hàng với người vay vốn, là “cánh tay nối dài” của hệ thống ngân hàng đến tận khu, ấp. Nhờ đó, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã được chuyển tải một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả đến tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm công khai, dân chủ.
Tại hội nghị, ông Bùi Quang Vinh cho rằng thời gian qua, NHCSXH tỉnh không ngừng lớn mạnh là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo tỉnh; trở thành chỗ dựa vững chắc cho hộ nghèo và các hộ chính sách khác những lúc gặp khó khăn. NHCSXH tỉnh đã từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức đặc thù riêng, phù hợp với địa phương. Điểm nổi bật trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách tại Bình Dương trong những năm qua là phía ngân hàng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, từ đó tạo nguồn vốn vay ngày một lớn hơn, hiệu quả hơn. Ông yêu cầu NHCSXH tỉnh không ngừng áp dụng công nghệ vào việc quản lý, cho vay để tín dụng chính sách trên địa bàn ngày một tốt hơn, đơn giản thủ tục hơn; tăng cường công tác quản lý để nguồn vốn vay ngày càng hiệu quả hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà cho biết NHCSXH tỉnh được thành lập năm 2003 để thực hiện tín dụng ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau 20 năm, NHCSXH tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, phát huy hiệu quả thiết thực đến đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo. Chính sách này đã và đang góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ giai đoạn mới.
QUANG TÁM