Chính sách dân tộc: Hiệu quả từ một dự án
(BDO) Ngày 5-10-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 7391/QĐ- CT về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu định canh định cư đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), phần lớn là người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo. Việc thực hiện dự án này nhằm tạo điều kiện cho ĐBDTTS có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Giúp ĐBDTTS an cư
Khu định canh, định cư này nằm trên địa phận ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo với diện tích 200 ha. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án từ giai đoạn 2004-2006, Chi cục Di dân - Định canh định cư trước đây đã đầu tư một số hạng mục như phân lô cắm mốc, giao đất cho một số hộ ĐBDTTS, làm đường cấp phối một số tuyến chính; xây dựng 2 căn nhà cấp 4 cho 2 hộ ĐBDTTS sinh sống.
Cùng với việc cấp đất, chính sách đào tạo nghề cho con em ĐBDTTS cũng rất được quan tâm. Ảnh: C.SƠN
Đến nay, đã có 112 hộ đồng bào Khmer được cấp đất sản xuất với tổng diện tích được cấp là 116,20 ha/133 ha (có 5 hộ do đông nhân khẩu nên được cấp thêm 0,5 ha/hộ, 1 hộ được cấp 0,5 ha). Tại thời điểm cấp đất đợt 1 (có 93 hộ), ngoài diện tích đất được cấp, mỗi hộ còn được nhận thêm 250 cây điều giống cao sản, 300kg phân bón NPK, 10kg bắp lai để trồng xen khi cây điều còn nhỏ. Đồng thời, có 15 hộ ĐBDTTS được cấp mỗi hộ 1 con bò cái để góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Việc thực hiện hoàn chỉnh các tuyến đường nội ô thuộc khu vực của dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ĐBDTTS trong việc đi lại, sản xuất nông nghiệp. Trước khi có dự án, tỷ lệ hộ ĐBDTTS nghèo của xã An Bình là 42,5 %; đến năm 2010 tỷ lệ này giảm xuống còn 19,3% và đến nay, tỷ lệ hộ ĐBDTTS nghèo chỉ còn 8,14%. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ ĐBDTTS tại xã An Bình hiện cũng đã đạt 20 triệu đồng/ người/năm.
Khuyến khích làm giàu
Trước khi có dự án, tỷ lệ hộ ĐBDTTS nghèo của xã An Bình là 42,5 %; năm 2010 tỷ lệ này giảm xuống còn 19,3% và đến nay, tỷ lệ hộ ĐBDTTS nghèo chỉ còn 8,14%. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ ĐBDTTS tại xã An Bình hiện cũng đã đạt 20 triệu đồng/ người/năm. |
Qua rà soát, hầu hết các hộ sử dụng đất đều đúng mục đích và hiệu quả, khác hẳn so với cuộc sống xâm canh trước đây. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án, các hộ đã trồng điều cao sản trên diện tích đất được giao, một số hộ còn lại thì trồng cao su. Được sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác khuyến nông, các vườn điều vụ mùa 2013-2014 vừa qua của ĐBDTTS tại dự án đạt năng suất bình quân 2 tấn/ ha. Đặc biệt, có những hộ đạt năng suất trên 3 tấn/ha, điển hình như các hộ Kim Minh Thống, Ngưu Lai, Ngưu Hậu, Ngưu Phương…
Song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên toàn huyện, thời gian qua, các chính sách khuyến khích làm giàu đối với ĐBDTTS cũng được huyện Phú Giáo quan tâm, thực hiện; trong đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung phát triển các loại cây trồng có thế mạnh. Đặc biệt, thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chính quyền đã tiến hành hỗ trợ trực tiếp lương thực, muối ăn, hỗ trợ tiền điện, tiền học phí, bảo hiểm xã hội, giống vật nuôi, cây trồng… cho ĐBDTTS tại khu dự án. Từ đó đã tạo đà cho sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển, mở ra hướng đi triển vọng; đa dạng sản phẩm nông nghiệp; góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống cho ĐBDTTS.
Ông Lê Đình Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc tỉnh cho biết, từ khi được triển khai, dự án đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thiết thực chăm lo, nâng đời sống cho đồng bào Khmer tại xã An Bình. Trong thời gian tới, Phòng Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp cùng huyện Phú Giáo tuyên truyền để ĐBDTTS yên tâm định canh; đồng thời có các chính sách hỗ trợ khác nhằm tiếp tục nâng cao đời sống cho ĐBDTTS.
CAO SƠN