Chính quyền cơ sở: Khó quản lý công ty “ma”
(BDO) Thời gian qua, phường An Thạnh, TX.Thuận An đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong hoạt động công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hiện trên địa bàn có gần 130 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đăng ký kinh doanh. Bên cạnh những đóng góp tích cực của DN, gần đây trên địa bàn xuất hiện một số DN hoạt động hết sức mập mờ và khó hiểu gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương và người dân.
Theo UBND phường An Thạnh, doanh nghiệp này có mã số thuế in trên bảng quảng cáo nhưng đóng cửa 24/24. Địa phương cũng không biết DN hoạt động trong lĩnh vực gì. Ảnh: X.X
Phường gặp khó
Ông Lê Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường An Thạnh cho biết, qua công tác rà soát, địa phương đã phát hiện gần 40 DN hoạt động rất mập mờ. Biểu hiện thường thấy là các DN này thuê ki-ốt, nhà của dân rồi treo bảng hiệu công ty, DN nhưng rất ít thấy mở cửa hoạt động; thậm chí một số DN còn thuê phòng trọ nằm sâu trong hẻm có diện tích chưa đầy 10m2 để làm văn phòng hoạt động kinh doanh. Họ làm gì, kinh doanh gì địa phương không hay biết, bởi phần lớn những văn phòng này thường xuyên đóng cửa. Đây là những DN được Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý nên vượt quá chức năng kiểm tra, quản lý của phường.
Ông Vũ cho biết thêm, trước năm 2012, hàng tháng Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn thường xuyên gửi danh sách DN xuống phường nên địa phương dễ dàng xác nhận địa chỉ cũng như giám sát hoạt động của các DN, nhưng hiện tại địa phương không còn được nhận danh sách cập nhật các DN hoạt động tại phường nữa. Con số 127 DN (số liệu năm 2014) hoạt động trên địa bàn phường do TX.Thuận An gửi về để địa phương thu phí phòng chống bão lụt hàng năm. Qua thực tế liên hệ các DN này để thu phí, cán bộ phường mới phát hiện hàng chục DN chuyển địa điểm kinh doanh hoặc có địa chỉ nhưng không hoạt động.
Cần sớm xử lý sai phạm
Theo ông Lê Anh Vũ, nhiều khả năng các DN này hoạt động chủ yếu là mua bán hóa đơn, bởi địa phương ít khi thấy DN hoạt động sản xuất hay kinh doanh mặt hàng gì. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho biết, hiện nay một số DN hoạt động kinh doanh trên địa bàn thị xã có dấu hiệu gian lận thương mại, thành lập DN để mua bán hóa đơn làm ảnh hưởng không tốt đến tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Đỗ Thanh Sử cho biết thêm, quan điểm của UBND thị xã là quyết liệt bảo vệ môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh và phòng chống gian lận thương mại. Qua công tác kiểm tra tại một số khu vực như Bình Chuẩn, Lái Thiêu, Vĩnh Phú và mới đây là phản ánh từ phường An Thạnh cho thấy, tình hình gian lận thương mại đang diễn ra phức tạp tại địa phương, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của thị xã. Chính vì thế, trong thời gian tới, TX.Thuận An sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả giải quyết rốt ráo tình trạng này. Tới đây, Ban chỉ đạo 389/T.A về phòng chống buôn lậu trong sản xuất kinh doanh, gian lận thương mại sẽ tiến hành rà soát kỹ lưỡng số lượng DN cũng như mặt hàng sản xuất, kinh doanh của những DN này tại các xã, phường của TX.Thuận An. Điều này giúp cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi hoạt động của các DN. Bên cạnh đó, Tổ kiểm tra liên ngành gồm Công an thị xã, Đội quản lý thị trường số 2, Chi cục Thuế thị xã sẽ tăng cường công tác phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại và chống thất thu thuế…
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, trước đây sở vẫn thường xuyên gửi danh sách DN tới UBND các xã, phường, thị trấn. Nhưng sau năm 2012, khi triển khai mô hình chính quyền điện tử, danh sách DN thường được sở gửi về các huyện, thị, thành phố trong tỉnh qua hộp thư điện tử. Vì vậy, các địa phương cần chủ động liên hệ với UBND cấp huyện để cập nhật thông tin về DN nhằm giúp quản lý và giám sát hoạt động của các DN hiệu quả.
PHÙNG HIẾU