Chính phủ cần có những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: “Cử tri đồng tình với Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, để việc triển khai chủ trương thật sự có hiệu quả, cử tri đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các chủ trương, chính sách, các biện pháp chỉ đạo điều hành của Nhà nước”.
Vấn đề này được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trả lời như sau:
Ngày 9-11-2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 11/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 với mục tiêu tổng quát là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện có kết quả các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những giải pháp hàng đầu. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước; khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Bên cạnh đó, trong năm 2012, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, trong đó nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là 1 trong 3 nội dung chính cần triển khai.
Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời tạo tiền đề vững chắc góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.
VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH - HĐND TỈNH