Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến
(BDO)
Hướng dẫn đăng ký hộ tịch trực tuyến (ảnh minh họa)
1. Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định quy định về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, Cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương; cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch; đăng ký hộ tịch trực tuyến. 2. Về khái niệm Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. 3. Về cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử: Nghị định quy định cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bao gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tư pháp các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. 4. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bao gồm: - Các thông tin hộ tịch của cá nhân được xác lập khi đăng ký khai sinh. - Các thông tin hộ tịch của cá nhân là công dân Việt Nam được xác lập khi ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. - Các thông tin hộ tịch khác của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật tiếp tục được cập nhật vào thông tin hộ tịch của cá nhân đã được xác lập theo quy định trên.
- Bản quét hoặc bản chụp trang Sổ hộ tịch tương ứng đối với thông tin hộ tịch được số hóa, chuẩn hóa. 5. Về cấp bản sao trích lục hộ tịch từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, xác nhận thông tin hộ tịch Cá nhân có yêu cầu khai thác thông tin hộ tịch của mình trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì gửi yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch tới cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền: - Cơ quan có thẩm quyền theo quy định (cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp) cấp bản sao trích lục hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký việc hộ tịch và nơi cư trú của người có yêu cầu. - Cơ quan có thẩm quyền theo quy định (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp) xác nhận thông tin hộ tịch đối với trường hợp cá nhân có yêu cầu khai thác thông tin từ nhiều việc đăng ký hộ tịch hoặc xác nhận các thông tin hộ tịch khác nhau của mình; cơ quan, tổ chức có yêu cầu khai thác nhiều thông
tin hộ tịch của một cá nhân hoặc khai thác thông tin hộ tịch của nhiều người. 6. Về tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến - Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật. - Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được nhận kết quả đăng ký hộ tịch theo một trong các phương thức sau đây: (1) Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua thư điện tử, Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó. (2) Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.
(3) Nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch thông qua hệ thống bưu chính. (4) Nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch. - Đối với các việc hộ tịch pháp luật quy định người có yêu cầu đăng ký hộ tịch phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch để ký vào Sổ hộ tịch và nhận kết quả thì người có yêu cầu đăng ký hộ tịch chỉ được nhận kết quả theo phương thức (4). Khi đến nhận kết quả tại cơ quan đăng ký hộ tịch, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch phải nộp, xuất trình các giấy tờ, tài liệu là thành phần hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định pháp luật hộ tịch. Đối với các việc hộ tịch mà người có yêu cầu đăng ký hộ tịch không phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch để ký vào Sổ hộ tịch và nhận kết quả, nhưng vẫn phải nộp, xuất trình các giấy tờ, tài liệu là thành phần hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định pháp luật hộ tịch thì người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được lựa chọn nhận kết quả theo một trong các phương thức (1), (2), (3), (4) nhưng phải thực hiện việc nộp, xuất trình các giấy tờ, tài liệu theo quy định trước khi nhận kết quả.
Trường hợp phải nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ không phải là giấy tờ tùy thân mà người yêu cầu đăng ký hộ tịch đã có bản sao điện tử giấy tờ hoặc đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì không phải nộp, xuất trình. - Biểu mẫu điện tử giấy tờ hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành, cung cấp thông tin hộ tịch hoặc nguồn tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân, có giá trị như giấy tờ hộ tịch. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chấp nhận, sử dụng, không được yêu cầu cá nhân phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ hộ tịch để đối chiếu. 7. Một số quy định khác Việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để đăng ký hộ tịch trực tuyến do UBND cấp tỉnh quyết định về phạm vi, mức độ và thời điểm triển khai tùy theo điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin của địa phương. Sau khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, cơ quan thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm kết nối với các cơ sở dữ liệu này để xác định tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, không được yêu cầu nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Ngoài ra, nghị định quy định những hành vi không được làm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; trách nhiệm của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương và UBND các cấp trong việc quản lý nhà nước đối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử… Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-9-2020 và bãi bỏ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-112015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
SỞ TƯ PHÁP