Chính phủ ban hành Chương trình hành động về phát triển kinh tế tư nhân
(BDO) Ngày 3-10, Chính phủ ra Nghị quyết số 98/NQ-CP: Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết có hiệu lực ngay từ ngày ký 3-10-2017.
Lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ
Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW, đưa các chính sách, chủ trương được ban hành trong thời gian gần đây của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đồng bộ và hiệu quả, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Trung 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, tập trung vào nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Chương trình hành động phải thể hiện được tinh thần kiến tạo, điều phối của Chính phủ, theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Khu vực tư nhân đóng góp 50% GDP
Chương trình phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 50% GDP, năng suất lao động tăng khoảng 4% đến 5%; hằng năm có hơn 35% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Xóa bỏ phân biệt đối xử, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng
Những nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu đổi mới thể chế về sở hữu, rà soát các hệ thống quy định pháp luật liên quan doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Đề xuất bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Khẩn trương dự thảo, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và sớm đưa các giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tiễn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Đề án khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp theo nguyên tắc thuận lợi nhất về thủ tục chuyển đổi; tối thiểu hóa chi phí tuân thủ phát sinh do chuyển đổi mô hình, trước hết là chi phí tuân thủ về tổ chức quản trị, về chế độ kế toán và về chi phí thuế; trình Chính phủ trong quý 4 năm 2018.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về đất đai để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của doanh nghiệp tư nhân đối với các nguồn lực đất đai, tài nguyên; Đổi mới cơ chế đăng ký quyền sử dụng đất, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, phát triển thị trường quyền sử dụng đất.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan thực hiện triệt để chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước, giảm tỷ lệ nắm vốn của Nhà nước…, tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành.
Bãi bỏ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan:
- Tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến ½ số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu, xây dựng Đề án khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia rộng rãi thị trường mua sắm công, cung cấp dịch vụ công, nâng cao tính công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng, trình Chính phủ trong quý 4 năm 2018.
Hỗ trợ vốn doanh nghiệp siêu nhỏ, khởi nghiệp
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, trở thành kênh huy động, dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các quỹ đầu tư khởi nghiệp. Đề nghị bổ sung dự luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, trình Quốc hội xem xét thông qua năm 2019.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế tín dụng và bảo lãnh tín dụng phù hợp với loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhằm hỗ trợ phương thức kinh doanh dựa vào phát triển công nghệ thông tin, nâng cao độ an toàn của các giao dịch, thanh toán bằng thẻ, trình Chính phủ trong quý 3 năm 2018.
Khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa nội dung khởi nghiệp sáng tạo vào giảng dạy, thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển đô thị khởi nghiệp sáng tạo, theo hướng phát triển các cụm nhà cho thuê làm văn phòng dùng chung, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quy mô nhỏ, chi phí thấp, dễ tiếp cận, kết nối với các trường đại học, cụm công nghiệp, khu công nghiệp và khu đô thị mới, tạo ra các vành đai kinh tế mới, tạo điều kiện cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận dễ dàng về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thị trường, hậu cần và các dịch vụ hỗ trợ, trình Chính phủ trong quý 4 năm 2018.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chiến lược công nghiệp hóa mới đến năm 2030 tầm nhìn 2035 có tính đến cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ trong quý 2 năm 2018.
Ngăn chặn “lợi ích nhóm” trục lợi bất chính
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan: Tuyên truyền phổ biến quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 10-NQ/TW khóa XII nhằm quán triệt tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, đồng thời ngăn chặn mọi biểu hiện của quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách để trục lợi bất chính.
Chương trình cũng đề ra nhiều hành động cụ thể khác nhằm bảo đảm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo nhandan.com.vn