Chiếu phim lưu động về cách mạng Việt Nam: Vừa giải trí vừa giáo dục truyền thống

Thứ hai, ngày 21/04/2014

   Người dân chăm chú xem phim “Biệt động Sài Gòn” tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Ảnh: T.VĂN

 Những ngày đầu mới trình chiếu phục vụ, khán giả đến xem rất thưa thớt. Nhưng sau vài buổi thì dần dần những người cao tuổi, những cán bộ công chức, tiểu thương, công nhân, học sinh, sinh viên đang sinh sống, làm việc và học tập trong TP.TDM đến xem ngày một nhiều, từ vài chục người đến hơn 100 người mỗi buổi.

“Trải qua gần 2 tháng với hơn 15 bộ phim, đội đã thu hút hơn 1.000 lượt khán giả địa phương đến xem. Chúng tôi thật sự phấn khởi và hào hứng khi tạo được một điểm giải trí văn hóa tinh thần bổ ích và ý nghĩa cho người dân”, anh Đỗ Văn Công, cán bộ kỹ thuật Đội Tuyên truyền - Chiếu bóng lưu động tỉnh chia sẻ.

Để phục vụ khán giả những thước phim hay phù hợp với từng sự kiện lịch sử hay những dịp lễ lớn của dân tộc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, Đội Tuyên truyền - Chiếu bóng lưu động tỉnh đã lên kế hoạch lựa chọn phim và mua bản quyền phim của Fafilm Trung ương và Hãng phim Phương Nam.

Mở màn là phim Đường thư do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Tiếp theo là phim Đừng đốt, Phía sau cuộc chiến, Săn bắt cướp, Phương án ba bông hồng, Hòn đất, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng…

Chị Lê Thị Hồng Em,công nhân ở trọ tại khu phố 6, phường Phú Lợi, TP.TDM, cho biết: “Vô tình đi ngang đây vào dịp cuối tuần, tôi thấy trung tâm chiếu phim về bộ đội ta ngày xưa hay quá nên rủ thêm chị bạn đến xem cùng và chúng tôi thật sự rất thích khi được thưởng thức lại những bộ phim kinh điển mà không phải mua vé và có ghế ngồi rất tử tế như thế này”.

Theo anh Công cho biết, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2014), Quốc tế Lao động 1-5, đội sẽ tăng cường trình chiếu trong suốt những ngày nghỉ lễ những bộ phim về đại thắng mùa xuân năm 1975 và chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu như: Giải phóng Sài Gòn, Bài ca ra trận, Nổi gió, Ký ức Điện Biên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ, Mùi cỏ cháy.

Để người dân có điều kiện tiếp cận những thước phim hay, những tác phẩm điện ảnh kinh điển về truyền thống cách mạng Việt Nam như thế này ngày một nhiều hơn, thiết nghĩ cần và rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp lãnh đạo tỉnh, bên cạnh việc thông báo bằng áp phích và loa của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, thì cần tăng cường hơn nữa những biện pháp như thông báo lưu động bằng xe phát thanh lưu động, tặng cường chiếu lưu động đến các cơ sở, những vùng sâu, vùng xa, hay những khu công nghiệp có đông thanh niên công nhân.

 THỤC VĂN