Chiêu lừa 'biến' iPhone lock thành quốc tế bằng sim ghép siêu nhỏ

Thứ tư, ngày 17/07/2019

(BDO) Sim ghép siêu nhỏ được hàn vào bo mạch của iPhone khóa mạng (lock) khiến người mua khó phát hiện.

Bước ra từ một cửa hàng sửa chữa iPhone ở quận Tân Bình (TP HCM), Khoa, sinh viên một trường đại học, cho biết đã bị lừa. Khoa mua iPhone 8 Plus khóa mạng nhưng người bán bảo là iPhone quốc tế. "Tôi đã bỏ ra 8,5 triệu đồng để mua chiếc điện thoại này ở một người bán quận Thủ Đức qua trang rao vặt. Tôi mua do thấy rẻ hơn hàng bán ở ngoài shop gần 2 triệu đồng", Khoa kể. "Khi giao dịch, tôi nhờ một người bạn đi cùng, thử kiểm tra, reset các thứ nhưng không có dấu hiệu cho thấy đây là hàng khóa mạng", anh nói. "Dùng một thời gian, máy bắt đầu trục trặc, gần đây cập nhật iOS mới thì bị khóa, không thể sử dụng được nữa. Đến cửa hàng này, thợ mở ra máy mới biết có sim ghép bé tí gắn bên trong", Khoa tỏ vẻ bực.

Sim ghép dùng để hô biến iPhone lock thành quốc tế có kích thước rất nhỏ. Ảnh: Vũ Phương.

Sim ghép kiểu mới dùng để "biến" iPhone lock thành quốc tế có kích thước rất nhỏ. Ảnh: Vũ Phương.

Thị trường iPhone xách tay gần đây xuất hiện trở lại loại iPhone khóa mạng nhưng được bán ra như phiên bản quốc tế nhờ hàn "chết" sim ghép vào bo mạch chủ. Nhưng so với trước đây, hình thức mới tinh vi, khó phát hiện hơn rất nhiều. Anh Khoa là nạn nhân trong số đó.

Anh Nguyễn Vũ Phương, quản lý kiêm kỹ thuật viên một trung tâm sửa chữa điện thoại tại quận Tân Bình chia sẻ, sim ghép kiểu cũ có kích thước bằng nano-sim, kẹp bên dưới sim chính, nhưng sim ghép kiểu mới nhỏ hơn hẳn, đặt ẩn bên dưới bo mạch và rất khó phát hiện, phải nhìn bằng kính lúp hoặc kính hiển vi mới thấy.

Cũng giống như các trường hợp trước đây, thợ sẽ vô hiệu hóa chân sim máy với bo mạch. Sau đó, họ đấu nối trực tiếp chân sim với sim ghép được dán ở phía dưới hoặc mặt sau thông qua dây đồng, cuối cùng là nối sim ghép với bo mạch. Về cơ bản, cách thức này tương tự việc sử dụng sim ghép, nhưng thay vì ghép ngay dưới sim, sim ghép sẽ được giấu đi nhằm mục đích đánh lừa.

Theo anh Phương, cách thức đấu sim này không mới và có từ thời iPhone 4. Trong hai năm gần nhất, cửa hàng anh ghi nhận hơn 200 trường hợp iPhone khóa mạng có nối sim ghép. Tuy nhiên, khoảng hai tháng gần đây, ngày càng nhiều máy đấu nối sim ghép siêu nhỏ bị phát hiện.

Sim ghép siêu nhỏ rất khó phát hiện nếu nhìn trên bo mạch. Ảnh: Vũ Phương.

Sim ghép siêu nhỏ rất khó phát hiện nếu nhìn trên bo mạch. Ảnh: Vũ Phương.

Cũng theo kỹ thuật viên này, iPhone khóa mạng hiện tại không còn được ưa chuộng, dù đã sửa các lỗi cơ bản (kiểm tra *101#, hiển thị sai danh bạ...) bằng sim ghép "thần thánh" cũng như mã ICCID (dãy 20 chữ số nhập vào để "đánh lừa" thiết bị rằng nó đang dùng sim của đúng nhà mạng). Tuy nhiên, giá hai loại iPhone này vẫn có chênh lệch, do đó kẻ gian muốn "biến" chúng thành bản quốc tế để dễ bán hơn.

"Các trường hợp dùng sim ghép siêu nhỏ như anh Khoa ở trên đều là iPhone đời cao, từ iPhone 8 trở lên", anh Phương cho biết. "Họ đều mua thông qua các trang rao vặt hoặc hội nhóm mua bán điện thoại Apple trên mạng xã hội với giá rẻ hơn so với bản quốc tế đang kinh doanh ở các cửa hàng".

Trên thị trường iPhone xách tay hiện tại, bản khóa mạng vẫn chênh lệch từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng tùy theo đời máy với hàng quốc tế. Chẳng hạn, iPhone 8 64 GB lock có giá 7 triệu đồng, trong khi bản quốc tế khoảng 9 triệu đồng, còn chính hãng lên tới 17 triệu đồng. Các mẫu khác đời cao hơn, mức chênh lệch còn lớn hơn. Đây là lý do nhiều gian thương cố ý đánh lừa người dùng.

Theo một người từng kinh doanh iPhone xách tay tại quận Bình Thạnh, hầu hết iPhone khóa mạng "đội lốt" quốc tế được làm ra để đánh lừa người không hiểu biết. Chúng được giao dịch theo hình thức trao tay, giá rẻ hơn bình thường, không có hóa đơn hay bảo hành và người bán biến mất sau khi giao dịch, không thể liên lạc khi gặp sự cố.

Cũng theo người này, với sim ghép "thần thánh" và ICCID, cách kiểm tra xem iPhone có bị can thiệp để biến từ máy lock thành quốc tế hay không hiện rất khó khăn, kể cả khôi phục cài đặt gốc, cài đặt trong phần ứng dụng sim hay nâng cấp iOS đều khó phát hiện 100%, chỉ có cách tháo máy để xem bên trong. "Cách tốt nhất là không giao dịch trao tay từ những nguồn không quen biết, nên mua tại các cửa hàng uy tín, có giấy tờ bảo hành rõ ràng để tránh bị tiền mất tật mang", người này khuyên.

Theo VNE