Chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam: Biểu tượng bản lĩnh Việt Nam
Kỳ 2: Quyết tâm chiến lược của Đảng ta
> Kỳ 1: Âm mưu của đế quốc Mỹ
Trước âm mưu leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, ngày 27 và 28-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt, được coi như “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới. Người tuyên bố: “Hiện nay, bọn hiếu chiến Mỹ và bè lũ tay sai mới lại ba hoa, hô hào “Bắc tiến”! Nhưng chúng ta phải hiểu rằng: Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng; vì các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh Mỹ sẽ phản đối chúng…”.
Bảo vệ miền Bắc XHCH
Tháng 12-1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) tổ chức Hội nghị lần thứ 9, bàn về một số vấn đề quốc tế và tình hình nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Hội nghị đã phân tích tình hình, so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam và vạch phương hướng nhiệm vụ tiến lên làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Đồng thời, hội nghị cũng chỉ rõ: Chúng ta phải cảnh giác, sẵn sàng đối phó với trường hợp Mỹ mạo hiểm mở rộng chiến tranh bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Vì vậy, phải quán triệt phương châm “chiến tranh lâu dài, đồng thời tranh thủ thời cơ dành thắng lợi trong thời gian không lâu lắm”. Trung ương Đảng xác định: “Điều quan trọng nhất, quyết định nhất trong bất cứ trường hợp nào vẫn phải nỗ lực tăng cường lực lượng của ta về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng quân sự”; từ đó, đã đề ra phương hướng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ miền Bắc, tăng cường lực lượng chủ lực và đẩy mạnh tác chiến tập trung ở miền Nam, cùng toàn dân đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và sẵn sàng đánh thắng Mỹ nếu chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.
Trong hội thảo khoa học “Sự kiện vịnh Bắc bộ và chiến công đánh thắng trận đầu - 50 năm nhìn lại” (8.1964 -8.2014) ngày 30-7 tại TP.Hải Phòng, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nhấn mạnh: “…Quân chủng tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công trên biển…”. Ảnh: TTXVN
Thực hiện chủ trương của Đảng, để chủ động bảo vệ miền Bắc, ngày 9-1-1964, Bộ Tổng tham mưu tổ chức Hội nghị Phòng không nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất để bàn về các biện pháp đánh bại các cuộc tập kích của máy bay địch. Ngày 27 và 28-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị này được coi như “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 300 đại biểu là những cán bộ lão thành, những nhà hoạt động chính trị được nhân dân yêu quý, những người tiêu biểu cho các giới, các ngành, đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua, trí thức tiến bộ và nhân sĩ yêu nước… đại diện cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong cả nước. Sau khi nghe và thảo luận báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, toàn thể hội nghị đã biểu thị sự đoàn kết, nhất trí với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ âm mưu và hành động chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, khẳng định thất bại của cuộc “Chiến tranh đặc biệt” là không thể tránh khỏi. Người tuyên bố: “Hiện nay, bọn hiếu chiến Mỹ và bè lũ tay sai mới chúng lại ba hoa, hô hào “Bắc tiến”! Nhưng chúng ta phải hiểu rằng: Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng; vì các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh Mỹ sẽ phản đối chúng…”.
Chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu
Tháng 6-1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân địch”. Chỉ thị nêu rõ: “Các lực lượng vũ trang trên miền Bắc phải sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng xâm hại miền Bắc”. Tổng Tham mưu trưởng đã ra lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu và Chỉ thị “Hải quân nhanh chóng chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu bảo vệ vùng biển, tuyến ven bờ, các hải cảng, cửa sông và căn cứ; nhanh chóng chuyển mọi sinh hoạt của đơn vị sang thời chiến”.
Ở Quân chủng Hải quân, quán triệt nghị quyết Trung ương và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu tháng 4-1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã quyết định triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm làm chuyển biến nhận thức tư tưởng trong toàn quân chủng trước tình hình yêu cầu nhiệm vụ mới. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Sẵn sàng khi có lệnh là đi, có địch là đánh; nhiệm vụ ở đâu cũng làm, khó khăn mấy cũng vượt; kẻ địch nào cũng đánh, đánh là phải tiêu diệt”; đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ, tích cực học tập, đẩy mạnh thi đua “ba nhất”, hăng hái ghi tên đi chiến đấu và thi đua giành đơn vị quyết thắng.
Đầu tháng 5-1964, Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra nghị quyết lãnh đạo nhằm tạo động lực mạnh mẽ, chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt, từng bước đưa Quân chủng chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm cao nhất. Từ ngày 6-7-1964, Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã chuyển sang trạng thái thời chiến. Trước những hành động khiêu khích phá hoại ngày càng tăng của Mỹ - ngụy ở vùng biển khu 4, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại căn cứ sông Gianh do đồng chí đại tá Nguyễn Bá Phát, Phó Tư lệnh Quân chủng phụ trách để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị Khu tuần phòng 2 tác chiến và hiệp đồng với các lực lượng của Quân khu 4 bảo vệ vùng biển phía Nam. Quân chủng cũng điều động một số tàu tuần tiễu của Khu tuần phòng 1 vào để tăng cường hoạt động ở vùng biển khu 4 và lệnh cho các phân đội tàu tuần tiễu của Khu tuần phòng 2 rời cảng sơ tán ra các khu neo, vừa tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến đấu, vừa nâng cao cảnh giác, ngụy trang chu đáo đề phòng địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái. Các tàu phóng lôi ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Các đơn vị pháo bờ biển chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 2. Các cơ quan, đơn vị trên bờ khẩn trương xây dựng hầm hào, công sự phòng tránh và đánh địch. Cán bộ, chiến sĩ đang nghỉ phép được gọi về đơn vị làm nhiệm vụ. Cuối tháng 7-1964, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu của Quân chủng đã cơ bản hoàn thành.
Kỳ 3: Truy kích tàu khu trục Ma Đốc
C.T (Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)