Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 1972: Sức mạnh Việt Nam
(BDO)
Quang cảnh cuộc họp báo.
Sáng 5-12, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học với chủ đề: Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 1972"- sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại.
Thông tin tại họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết, Hội thảo khoa học: "Chiến thắng 'Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 1972' - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại" với quy mô cấp quốc gia được tổ chức vào ngày 9/12.
Bốn cơ quan đồng chủ trì hội thảo, gồm Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội.
Dự kiến có khoảng 650 đại biểu tham dự hội thảo, trong đó có 20 nhân chứng lịch sử.
Hội thảo sẽ tập trung vào những vấn đề chính, gồm làm rõ bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế; phân tích âm mưu, thủ đoạn, kế hoạch tác chiến của đế quốc Mỹ khi tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, được gọi là Chiến dịch LinebackerII đánh phá Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và địa bàn lân cận; làm rõ đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi quyết định mở Chiến dịch "Phòng không Hà Nội-Hải Phòng."
Hội thảo phân tích, làm rõ quá trình chuẩn bị và tổ chức sử dụng lực lượng, sự phối hợp giữa quân đội nhân dân và công an nhân dân; chính quyền, nhân dân địa phương tạo thành sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi; nghệ thuật tác chiến chiến dịch, công tác bảo đảm, vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm hậu cần và sự tham gia phục vụ chiến đấu của quân và dân cả nước nói chung, quân và dân thành phố Hà Nội, Hải Phòng nói riêng.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sáu phát biểu tại buổi họp báo.
Hội thảo tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta; với ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; làm rõ cách đánh linh hoạt của quân và dân ta trong chiến dịch; đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong vận dụng phương pháp tác chiến, trong tổ chức, chỉ huy chiến đấu của cán bộ các cấp.
Hội thảo còn có ý nghĩa trong đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay - Đại tá Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.
Thông tin tại cuộc họp báo cho thấy, đến nay, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 135 bài tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, thành phố Hà Nội; các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội…
Theo Ban Tổ chức, các bài tham luận được nghiên cứu công phu, có hàm lượng khoa học cao, số liệu dẫn chứng cụ thể, chính xác, nội dung bám sát chủ đề hội thảo.
Bên lề hội thảo, Ban Chỉ đạo và các đại biểu sẽ thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn Thủ đô Hà Nội; dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sỹ tại khuôn viên Quân chủng Phòng không-Không quân./.
Theo TTXVN