Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta

Thứ hai, ngày 07/05/2012

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Năm tháng qua đi nhưng tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn ngày càng tỏa sáng.  Đại tướng Võ Nguyên Giáp triển khai cách đánh địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta và trên toàn bán đảo Đông Dương. Nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ thì không thể có Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thắng lợi của 9 năm kháng chiến trường kỳ mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần to lớn bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo ra các tiền đề, điều kiện để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vươn tới giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện mang tầm vóc thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa trên toàn cầu. Bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đã nêu tấm gương sáng trước toàn thế giới về lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất, sức sáng tạo trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm vì độc lập dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng trước hết đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Bác Hồ. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam; là chiến thắng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là thắng lợi của đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”. Cùng với nhân dân cả nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua vô vàn gian nan, thử thách, chiến đấu kiên cường, bền bỉ, sáng tạo góp phần quyết định làm nên chiến thắng.

Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, bài học kinh nghiệm của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào giai đoạn lịch sử mới chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai. Với đường lối cách mạng đúng đắn, sự chỉ đạo tài tình của Đảng, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã giành được những thành tựu hết sức quan trọng. Sự phát triển vượt bậc của đất nước đã tạo ra những động lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy giành được những thành tựu rất đáng tự hào và phía trước có những thời cơ mới mở ra nhưng Việt Nam cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Kỷ niệm 58 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kế thừa và phát huy cao độ những bài học quý báu trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra những yêu cầu mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân cho toàn dân, chúng ta phải đặc biệt quan tâm xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để xứng đáng với vai trò nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân. Quân đội ta phải được giáo dục, huấn luyện chu đáo cả về bản lĩnh chính trị, lòng trung thành, tinh thần cảnh giác cách mạng; vững mạnh cả về tư tưởng và tổ chức; tinh thông trình độ kỹ thuật, nghệ thuật quân sự và có trang bị vũ khí - công nghệ quân sự tiên tiến, ngày càng hiện đại... Có như vậy chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội mới không ngừng được nâng cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ XHCN và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Kỷ niệm 58 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Tổ quốc ta, Đảng ta, nhân dân ta và sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta. Sự đổi thay kỳ diệu của đất nước trong hòa bình nhắc nhở chúng ta phải ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, anh. Dù phía trước còn nhiều nguy cơ, thách thức nhưng chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” Điện Biên Phủ không ngừng được phát huy, công cuộc đổi mới đất nước sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn. Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại mãi mãi xứng đáng với tầm vóc lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28-5-1948 theo Sắc lệnh 110/SL ký ngày 20-1-1948, ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội quốc gia Việt Nam khi 37 tuổi.

Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh Nhân dân kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác - Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân.

Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của Thế giới thứ ba, nơi có những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.

H.D (tổng hợp)