Chiến lược thu hút FDI của Bình Dương: Nhìn từ lĩnh vực công nghệ cao
(BDO) Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Bình Dương đã có những chính sách, chiến lược mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, Bình Dương từng bước chuyển từ thu hút đầu tư những ngành thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường… sang những ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tạo ra giá trị kinh tế lớn.
Với những thành quả đạt được sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Bình Dương đã và đang hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường; đồng thời huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực nhằm tạo động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững tỉnh nhà. Đến nay, Bình Dương chiếm 10% tổng số doanh nghiệp FDI trong cả nước.
Xác lập mục tiêu mới
Bình Dương hiện có trên 2.270 doanh nghiệp FDI với hơn 3.500 dự án, tổng số vốn đăng ký trên 32,5 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa qua, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương tiêu biểu được lựa chọn để báo cáo tham luận và vinh dự được trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm qua, Bình Dương đã tận dụng và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình nhằm thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nước, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, qua đó tạo tiền đề cho kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện và bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, nhất là quá trình công nghiệp hóa, cũng dẫn đến việc Bình Dương phải đối mặt với một số bất cập như gia tăng dân số cơ học, hạ tầng xã hội chưa đủ đáp ứng yêu cầu, an sinh xã hội còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó là sự thiếu hụt về trường lớp, trang thiết bị y tế cùng nhiều vấn đề môi trường phát sinh khác.
Bình Dương đã và đang chú trọng thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Từ thực tế đó, năm 2015, trên cơ sở những tiềm lực đã được tích lũy từ nhiều năm, đồng thời để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Tổng Công ty Becamex tìm hiểu, nghiên cứu mô hình “Đô thị thông minh” từ thành phố kết nghĩa Eindhoven, Hà Lan để xây dựng và triển khai Đề án Thành phố thông minh Bình Dương theo mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp). Đây là sự thiết lập tầm nhìn mới của tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu của mình, tạo nền tảng trong việc tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy chuyển giao khoa học - công nghệ, phát triển các khu khoa học - công nghệ, cùng với đó chú trọng đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, từ đó đóng góp thiết thực vào nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực và những hệ lụy của quá trình phát triển công nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu thu hút vốn FDI trong giai đoạn 2016-2020, cũng như phát triển các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn, Bình Dương cũng đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đồng thời tập trung đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, phát triển mô hình “ba nhà”.
Xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao
Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất công nghiệp của Bình Dương thời gian qua vẫn còn mang dáng dấp “công xưởng gia công”, chưa khai thác hết giá trị gia tăng của sản phẩm. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp công nghệ cao là bước ngoặt để đưa Bình Dương phát triển công nghiệp lên một tầm cao mới.
Xác định đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, hiện nay Bình Dương đã và đang tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc. Theo đó, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh và lan tỏa, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên thu hút dự án các ngành sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, dược phẩm…; đồng thời chú trọng phát triển dịch vụ về tài chính, công nghệ, sở hữu trí tuệ, dịch vụ vận tải, logistics, công nghiệp hỗ trợ... có giá trị gia tăng cao.
Thời gian qua, Bình Dương đặc biệt chú trọng phát triển ngành logistics. Tỉnh dành quỹ đất hợp lý, quy hoạch xây dựng hệ thống cảng, cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ logistics, kho vận đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉnh cũng xác định tập trung thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian tới, về thu hút FDI, tỉnh tiếp tục chú trọng tăng chất lượng, tăng nhanh ngành dịch vụ, công nghiệp kỹ thuật cao, thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ.
Hiện nay, các doanh nghiệp rất quan tâm phát triển khu công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, hiện tỉnh đã giao Becamex IDC quy hoạch Khu công nghiệp Lai Hưng, có diện tích 600 ha, tại huyện Bàu Bàng để thu hút các doanh nghiệp khoa học - công nghệ vào đầu tư. Qua đó hình thành nên một khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao trên địa bàn tỉnh, từ đó thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phát triển. Khu công nghiệp này cũng sẽ thu hút nhiều lao động tri thức, có tay nghề; góp phần hình thành được một cộng đồng doanh nghiệp thông minh, tương tác, phối hợp được với nhau để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.
Ông Hùng cho biết, Khu công nghiệp Lai Hưng có vị trí khá thuận lợi khi nằm liền kề với 2 trục giao thông quan trọng kết nối với TP.Hồ Chí Minh là Quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ngoài ra, tuyến nhánh của đường Hồ Chí Minh cũng đi qua khu công nghiệp này, tạo ra sự kết nối dễ dàng với tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên…
Hiện nay, Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Số dự án, quy mô các dự án công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tăng dần theo thời gian. Theo các chuyên gia, Bình Dương cần tiếp tục có những chính sách tốt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và sáng tạo. Đây là một thách thức và cũng là cơ hội đặt ra cho Bình Dương sau khi đã có kinh nghiệm nhiều năm phát triển công nghiệp.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế; tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bình Dương đã tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất để phát triển, trong đó việc xây dựng đô thị thông minh và những kinh nghiệm học hỏi từ các thành viên Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) là một trong những giải pháp quan trọng để tỉnh nhà phát triển đột phá. Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.
TIỂU MY