Chiến khu xưa nay là vùng đất hứa...

Thứ tư, ngày 22/08/2018

(BDO) Bài 2: Về thăm quê hương Chiến khu Đ

Tháng 8 này, trở lại thăm huyện Bắc Tân Uyên, ai ai cũng cảm nhận mảnh đất Chiến khu Đ thời đánh giặc ác liệt, điêu tàn nay đang đổi thay từng ngày, như khoác lên mình màu áo mới. Những vườn cây trĩu quả, rợp bóng mát bên dòng sông Đồng Nai gió chiều lồng lộng. Những con đường trải nhựa nối dài, cờ đỏ tung bay, nhân dân tưng bừng chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.

Hệ thống giao thông tại huyện Bắc Tân Uyên được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đường ĐT 411 được đầu tư xây dựng với 6 làn xe. Ảnh: Đ.HẬU

Từ thuở mang gươm đi mở cõi...

Ngược dòng lịch sử hào hùng của dân tộc, kể từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo toàn dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, đồng bào vùng đất Tân Uyên nói chung luôn giương cao ngọn cờ anh dũng quật cường, một lòng đi theo cách mạng, quyết tâm giải phóng quê hương. Đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, ở quận Tân Uyên lúc đó thuộc tỉnh Biên Hòa được chọn làm trọng điểm cho cuộc khởi nghĩa, do các đồng chí Lê Văn Tôn, Huỳnh Liễng, Nguyễn Hồng Kỳ chỉ đạo. Phương án khởi nghĩa được xác định chủ yếu tại hai vùng: Phía nam lấy thị trấn Uyên Hưng làm trọng tâm, phía bắc lấy làng Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch, Lạc An… (Bắc Tân Uyên) làm điểm hỗ trợ. Lực lượng nổi dậy bao gồm quần chúng Hội Phản đế nông dân, thanh niên và đội vũ trang khoảng 35 người vũ khí thô sơ.

Ngày 23-11-1940, địch đã ban hành lệnh giới nghiêm ở thị trấn Uyên Hưng, số anh em binh lính tích cực hứa làm nội ứng để cùng quân khởi nghĩa cướp đồn. Đặc điểm nổi dậy ở phía bắc Tân Uyên khác hơn phía nam. Nhiều gia đình nông dân, thanh niên các làng trong vùng đêm đêm thổi tù và, đánh mõ tre, đánh trống uy hiếp bọn hội, tề. Nhờ có vị trí hiểm trở của rừng và xa cách đồn địch nên cuộc nổi dậy lúc đầu đã thành công. Đến ngày 24-11- 1940, địch đã điều hàng trăm quân lính đến vùng khởi nghĩa ở năm làng và gây nợ máu đối với đồng bào Tân Uyên. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tuy bị địch dìm trong bể máu nhưng qua đó đã chứng tỏ khí thế quật cường đấu tranh của người dân Tân Uyên. Cuộc khởi nghĩa này cũng là một cuộc tập dượt để sau đó 5 năm, cùng với toàn tỉnh, đồng bào Tân Uyên đã nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân trong những ngày mùa thu tháng 8. Theo lịch sử ghi lại, trong những ngày từ 19 đến 23-8- 1945, ở Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An địch đang trên đà suy sụp, rệu rã. Thế ta đã mạnh, lực ta đã đông, làm chủ tình hình ở những vị trí xung yếu toàn tỉnh. Lực lượng cách mạng chỉ còn chờ lệnh khởi nghĩa phát ra và sau đó đã bùng lên một cuộc đấu tranh sôi nổi, cùng với cả nước ca khúc khải hoàn.

Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Tân Uyên nhiệm kỳ 2015- 2020, đã xác định cụ thể về tiềm năng lợi thế của địa phương, từ đó đã đề ra các mục tiêu phát triển đúng hướng, trong đó phát triển du lịch là một chiến lược lâu dài. Bằng nguồn vốn của huyện và nguồn vốn xã hội hóa, huyện sẽ bố trí phân kỳ đầu tư hợp lý các tuyến đường giao thông. Trong đó, tập trung đầu tư các tuyến chính như đường ĐH432 đi từ bến đò Hiếu Liêm đến KDL Mắt Xanh thuộc xã Tân Định. Đây là tuyến đường sẽ tạo hướng liên kết mới, đi qua vùng cây trái dọc theo sông Đồng Nai, kết nối với huyện Phú Giáo và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) thông qua cầu Tam Lập 2 và cầu Hiếu Liêm, rất thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch sinh thái.

 

Nhắc lại quá khứ anh dũng trong những năm 40 để thấy rằng truyền thống đánh giặc giữ nước của đồng bào Tân Uyên là vô cùng bất khuất và tiếp tục được phát huy trong các cuộc kháng chiến sau này. Đất nước vừa độc lập chưa được bao lâu, giặc Pháp lại trở lại xâm lược nước ta. Một lần nữa, nhân dân Tân Uyên tất cả đều đứng lên đánh Pháp lần thứ hai. Với ưu điểm về địa hình chiến lược, ngay trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ khoảng rừng nhỏ nằm bên bờ sông Đồng Nai, Chiến khu Đ đã được hình thành và dần phát triển rộng lớn, nối liền các căn cứ trên khắp chiến trường. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ là hậu phương lớn và trực tiếp của miền Đông Nam bộ, là nơi an toàn cho các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy của ta; đồng thời là bàn đạp để các binh đoàn chủ lực hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày nay, nhắc đến Chiến khu Đ, đồng bào Tân Uyên luôn nhớ mãi người con ưu tú - anh hùng Huỳnh Văn Nghệ, người đã gắn bó mật thiết với quá trình hình thành và phát triển chiến khu, trực tiếp chỉ huy thắng lợi nhiều trận đánh quan trọng. Không chỉ xuất sắc về tài thao lược, ông còn là một nhà thơ, được mọi người mệnh danh là thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, với câu thơ nổi tiếng “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Có chiến thắng nào mà không mất mát đau thương. Qua hai cuộc kháng chiến đầy khốc liệt, hàng ngàn người con ưu tú của quê hương Tân Uyên và từ nhiều địa phương khác của cả nước đã nằm lại hoặc gửi một phần xương máu của mình trên mảnh đất trung dũng này. Cho đến hôm nay, qua hơn 40 năm đất nước thống nhất, vẫn còn đó bao nỗi day dứt khi có những người mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt của con mình; nhiều liệt sĩ chưa được biết tên tuổi, quê quán. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào phải mang thương tật vì bom đạn, chất độc hóa học, sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Máu xương của cha ông đổ xuống đã tô điểm lên những trang sử trên mảnh đất anh hùng này càng thêm chói lọi. Bông Trang, Nhà Đỏ, Đất Cuốc, Nhà Nai… cùng với anh hùng Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Thị Chấu… là những tên tuổi, địa danh làm rạng ngời truyền thống anh hùng của địa phương.

Thay màu áo mới

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất, Tân Uyên là vùng kinh tế mới của tỉnh Sông Bé. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu để sản xuất nông nghiệp nên đã có rất nhiều người dân trên cả nước về đây lập nghiệp, chung tay xây dựng vùng đất chiến khu xưa. Hơn 40 năm qua, với sự lãnh đạo của tỉnh và huyện Tân Uyên, nay là huyện Bắc Tân Uyên, vùng đất này đã không ngừng phát triển. Từ một vùng đất rừng làm chiến khu trong kháng chiến, nay đã trở thành vùng đất màu mỡ với những vườn cao su bạt ngàn, những trang trại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và những vùng chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao, quy mô lớn, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thực hiện chủ trương khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh hiện có của địa phương về cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch, đến nay trên địa bàn huyện đã và đang triển khai thực hiện một số dự án, như: Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ, Khu du lịch (KDL) nghỉ dưỡng Mắt Xanh, KDL sinh thái Hàn Tam Đẳng, KDL sinh thái Phước Lộc Thọ… Mặc dù các dự án du lịch trên địa bàn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng nhưng đây là tín hiệu tốt, tạo tiền đề phát triển mạnh các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn ở những năm tiếp theo.

Lâu nay, Bắc Tân Uyên vốn nổi tiếng có những vườn cây trái sum suê, hương vị đậm đà. Cam sành Hiếu Liêm đã nổi tiếng khắp vùng. Thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho vùng đất đầy bom đạn năm xưa nay trở thành những trang trại trồng trọt có thu nhập cao. Trong tương lai, khi những con đường “xuyên” qua vườn cây được hình thành sẽ tạo điều kiện để bà con nông dân biến vườn cây đặc sản của mình thành mô hình du lịch miệt vườn. Một địa điểm du lịch nữa cũng đang được huyện quan tâm đầu tư, đó là hồ Đá Bàn gắn liền với xây dựng Khu tưởng niệm Chiến khu Đ. Hồ Đá Bàn có diện tích khá rộng, nước trong quanh năm, phong cảnh thiên nhiên khá đẹp. Trong thời gian tới, xung quanh khu vực hồ nước này sẽ được xây dựng thành một quần thể di tích, du lịch truyền thống, sẽ trở thành bộ mặt đô thị văn minh hiện đại và đậm chất lịch sử trên quê hương Chiến khu Đ anh hùng.

Với những thành quả đạt được bước đầu khá toàn diện, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Tân Uyên đã thể hiện quyết tâm đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, vượt qua những khó khăn trở ngại, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng huyện Bắc Tân Uyên ngày càng phát triển nhanh và đúng hướng trên các lĩnh vực, đáp ứng sự kỳ vọng của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. (còn tiếp)

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất, Tân Uyên là vùng kinh tế mới của tỉnh Sông Bé. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu để sản xuất nông nghiệp nên đã có rất nhiều người dân trên cả nước về đây lập nghiệp, chung tay xây dựng vùng đất chiến khu xưa. Hơn 40 năm qua, với sự lãnh đạo của tỉnh và huyện Tân Uyên, nay là huyện Bắc Tân Uyên, vùng đất này đã không ngừng phát triển.

KIẾN GIANG

 

Từ khóa: