Chiến dịch truyền thông toàn diện: Phấn đấu “xóa đói giảm nghèo” thông tin!
(BDO) Để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao của một sở đa ngành, năm 2017, Sở Công thương đã thực hiện “Chiến lược truyền thông” toàn diện. Mũi nhọn của chương trình là chương trình thương mại điện tử (TMĐT). Ngày 21-10-2015, UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 2691/QĐ-UBND về việc phê duyệt nội dung chương trình TMĐT tỉnh Bình Dương. Ngày 18-3-2016, Bộ Công thương cũng đã ban hành Quyết định số 1040/QĐ-BCT về việc phê duyệt các đề án thuộc chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2016. Trong đó, Bộ Công thương, UBND tỉnh chấp thuận và giao Sở Công thương tổ chức triển khai 2 lớp tập huấn, 2 chương trình khảo sát TMĐT, 1 chương trình tuyên truyền phổ biến về ứng dụng phát triển TMĐT và 1 chương trình duy trì hoạt động Cổng thông tin điện tử Sở Công thương. Hơn 1 năm qua, toàn ngành đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phấn đấu đưa doanh nghiệp hội nhập TMĐT
Thực hiện Chương trình TMĐT giai đoạn 2017-2020 và Quyết định 2691 của UBND tỉnh, nhằm nâng cao kiến thức ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp (DN), Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM), Sở Công thương đã phối hợp với Viện Nghiên cứu đào tạo quản lý - RIMT (Research Institute of Management Training) tổ chức thành công 2 lớp tập huấn về TMĐT: “Kỹ thuật thực hành Digital Marketing 3.0” và “Kiến thức TMĐT” cho DN với gần 140 học viên đăng ký tham gia, đạt 100% so với kế hoạch.
Doanh nghiệp về dự hội thảo Giải pháp xuất khẩu trực tuyến qua Alibaba.com
Đặc biệt, để nắm tình hình ứng dụng TMĐT thực tế của DN, làm cơ sở cho việc đề ra kế hoạch thực hiện có hiệu quả chương trình TMĐT, Trung tâm XTTM, Sở Công thương đã tiến hành khảo sát ứng dụng TMĐT trên quy mô toàn tỉnh. Theo đó, đoàn công tác đã nhận và sàng lọc danh sách hơn 1.562 DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ các đơn vị cộng tác khảo sát gởi về (6 phòng kinh tế: Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Thuận An; 8 hiệp hội: Da giày, Gốm sứ, Cơ điện, Dệt may, Sơn mài, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Xuất nhập khẩu, Liên minh Hợp tác xã; Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Phòng Quản lý thương mại, Chi cục Quản lý thị trường, Trung tâm Khuyến công), đồng thời gởi danh sách DN đã sàng lọc đến các đơn vị cộng tác và tiến hành khảo sát. Đến nay, tổng số phiếu khảo sát Trung tâm XTTM đã nhận được 1.250 phiếu (chương trình TMĐT địa phương thu được 1.000 phiếu, chương trình TMĐT quốc gia thu được 250 phiếu), đạt 100% kế hoạch. Phòng Thông tin của Trung tâm XTTM đã hoàn tất việc nhập thông tin DN từ 1.250 phiếu khảo sát từ các đơn vị gửi về, đồng thời gửi đơn vị tư vấn 1.250 phiếu khảo sát để phân tích số liệu và hoàn thiện báo cáo khảo sát.
Theo Trung tâm XTTM, đến tháng 11-2017, chương trình khảo sát ứng dụng TMĐT hoàn tất và tổ chức hội thảo công bố kết quả khảo sát và giải pháp nâng tỷ lệ DN ứng dụng TMĐT, góp phần nâng cao chỉ số TMĐT của tỉnh.
…Và “xóa đói giảm nghèo” thông tin
Qua cuộc khảo sát quy mô lớn này, cũng như qua các cuộc họp tiếp xúc DN của lãnh đạo tỉnh và các ban ngành liên quan của tỉnh, các DN đều kêu “thiếu, đói” thông tin về thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Thêm vào đó, DN cho biết rất ít DN thực hiện TMĐT và thụ hưởng các chương trình, dịch vụ của Trung tâm XTTM. Để đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường cho DN tốt hơn trong thời gian tới, Trung tâm XTTM đã phối hợp với Văn phòng sở, Sở Thông tin - Truyền thông lựa chọn nhà thầu tiến hành thực hiện Dự án Nâng cấp Cổng thông tin điện tử Sở Công thương Bình Dương từ tháng 12-2015 và đến tháng 5-2016 chính thức nghiệm thu, đưa vào vận hành ổn định, đạt yêu cầu thông tin hoạt động ngành công thương đến người dân và DN. Qua tổng kết năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, người dân và DN có nhu cầu giao dịch hành chính công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công thương, đạt 100% so với kế hoạch.
Và tin vui là đội ngũ cán bộ công chức của ngành công thương đã kiêm nhiệm vai trò “nhà báo”, “tuyên truyền viên” rất tích cực. Nhờ vậy, kết quả thực hiện tin bài trên Cổng thông tin của Sở Công thương sau nâng cấp rất khả quan. 9 tháng đầu năm 2017, Trung tâm XTTM kiêm Ban biên tập Cổng thông tin TMĐT đã tiến hành cập nhật được 576 tin, bài và 150 văn bản mới trên Cổng thông tin TMĐT về các lĩnh vực: công thương, xuất nhập khẩu, đầu tư, pháp luật, hội nhập kinh tế quốc tế, những điều DN cần biết, các chương trình hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, thông tin hoạt động của ngành… góp phần phục vụ cho nhu cầu tra cứu thông tin của DN (trong đó có 501 tin, bài từ các phòng và đơn vị trực thuộc gửi về).
Bà Nguyễn Thạnh Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM kiêm Biên tập Cổng thông tin của Sở Công thương cho biết: “Thời gian này, toàn ngành công thương Bình Dương đang thực hiện cuộc thi đua tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước. Đặc biệt là viết về hoạt động của đơn vị mình, những cách làm hay, những mô hình mới. Vừa là để cung cấp thông tin cho DN, người dân, vừa là để “báo cáo” về những việc mình làm được. Qua đó, dấy lên một phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, học và làm theo Bác của đơn vị, của ngành!”.
Ngoài ra, Trung tâm XTTM cũng đã cung cấp 116 nguồn tin về hoạt động của ngành công thương tỉnh Bình Dương cho Trang thông tin điện tử Bộ Công thương.
Để nâng cao chất lượng tác phẩm bài vở, hình ảnh trên Cổng thông tin TMĐT, Sở Công thương cũng đã liên hệ với Báo Bình Dương mở lớp tập huấn viết tin bài, chụp ảnh đẹp cho cán bộ, công chức của Sở. Ban biên tập cũng đang tính toán chế độ nhuận bút để vừa chấp hành đúng quy định vừa động viên tinh thần anh em để ngày càng gần dân, sát cơ sở, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm báo ngành giỏi.
Phát huy hiệu quả chiến dịch truyền thông toàn diện, đa phương tiện
Nói về tăng cường truyền thông thực hiện tốt các chương trình mục tiêu của ngành công thương, tại cuộc họp bàn về việc phối hợp tuyên truyền với Báo Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Lãnh đạo Sở Công thương chủ trương tăng cường tuyên truyền sâu rộng, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước lan tỏa sâu rộng đến cơ sở. Chúng tôi chủ trương đẩy mạnh thực hiện chiến lược truyền thông toàn diện, nâng cao nhận thức người dân DN chấp hành đúng chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước theo phương châm tuyên truyền hơn xử phạt!”.
Thực hiện chỉ đạo này, bà Đoàn Kim Bình, Chánh Văn phòng Sở Công thương cho biết sở đã phát động phong trào mỗi cán bộ các phòng ban, đơn vị trực thuộc là một tuyên truyền viên giỏi, phải thực sự “sát dân, gần cơ sở, DN”, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường tốt nhất cho người dân, DN, vừa phấn đấu làm báo của ngành thật tốt!
Chương trình TMĐT được xác định là chương trình mục tiêu, là đòn bẩy để thúc đẩy người dân, DN, đặc biệt là DN xuất khẩu hội nhập quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0. Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Qua cuộc khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT của DN tại Bình Dương cho thấy tỷ lệ DN ứng dụng TMĐT rất thấp, Sở Công thương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, sàn TMĐT Alibaba.com, tổ chức hội thảo về quy trình xúc tiến xuất khẩu trực tuyến, để hỗ trợ DN về quy trình xuất khẩu khép kín, từ khâu chuẩn bị hàng hóa, vận chuyển, vốn, đặc biệt là đầu ra thị trường, cũng như công tác giải quyết khiếu nại. Để hỗ trợ, đồng hành cùng DN trên trường thế giới, cũng là để đưa DN hội nhập TMĐT, thực hiện tốt chương trình TMĐT, tiến tới hội nhập quốc tế hiệu quả!”.
Để thực hiện tốt hơn chương trình truyền thông toàn diện, nâng cao chất lượng hoạt động của ngành công thương, đặc biệt là chương trình TMĐT của tỉnh, Sở Công thương, Trung tâm XTTM đã đưa ra giải pháp chuyên nghiệp hóa công tác tuyên truyền “sát dân, gần cơ sở”, mỗi cán bộ công chức vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi tuyên truyền. Song song đó, ngành công thương cũng đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị truyền thông chuyên nghiệp như Báo Bình Dương (trên tất cả sản phẩm báo giấy, báo điện tử), Đài Phát thanh - Truyền hình... một cách thiết thực, sâu rộng, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước, cũng như đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường. Chắc chắn chiến dịch truyền thông toàn diện, đa phương tiện của ngành công thương đã và sẽ góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu DN Việt trong cạnh tranh và hội nhập, góp phần phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ của địa phương.
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm XTTM: Để đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển TMĐT của UBND tỉnh đề ra cho giai đoạn 2017-2020: Phấn đấu 100% DN lớn, 65% DN vừa và nhỏ có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin DN, 30% DN giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng TMĐT và các thiết bị di động, 75% thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông, việc đầu tiên và cần thiết nhất là cán bộ trung tâm phải “gần dân, sát DN” hơn nữa. Từ đó, tích cực quảng bá về các dịch vụ, hỗ trợ mà trung tâm cung cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của trung tâm. Tổ chức hoặc phối hợp các hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tạo điểm nhấn, tạo điều kiện cho cán bộ, chuyên gia của trung tâm viết báo, tham gia thuyết trình tại các sự kiện, qua đó quảng bá về uy tín, chuyên môn của trung tâm, để thu hút người dân, DN ứng dụng chương trình TMĐT và thụ hưởng các chương trình XTTM do Trung ương và địa phương đầu tư.
BẢO ANH