Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng: Nhiều hộ dân vẫn còn thờ ơ

Thứ tư, ngày 29/08/2012

Sau đợt ra quân Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tỉnh vào ngày 18 và 19-8, cuối tuần qua (25, 26-8), các đoàn giám sát chiến dịch của tỉnh lại tiếp tục ra quân kiểm tra, giám sát đợt 2 tại một số địa phương của 6 huyện, thị xã và TP.TDM. Theo chân đoàn kiểm tra, chúng tôi đã đến khu phố 3, phường Phú Lợi, TP.TDM để ghi nhận thực trạng vệ sinh môi trường của người dân nơi đây...

 Đoàn giám sát đang kiểm tra tình hình vệ sinh môi trường tại khu phố 3, phường Phú Lợi, TP.TDM

Đoàn giám sát trở lại những địa chỉ đã kiểm tra trong đợt một để xem công tác khắc phục tình trạng mất vệ sinh, xử lý các vũng nước ứ đọng tiến triển đến đâu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ có một điểm và một hộ dân có tổ chức khắc phục như yêu cầu của đoàn. Còn lại, tại một số nhà dân, cơ sở trông giữ trẻ tư nhân thì công tác khắc phục chưa được thực hiện. Cụ thể như hộ ông Nguyễn Văn Quang ở tổ 21. Trong đợt giám sát trước, đoàn đã nhắc nhở gia đình ông dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, xây dựng nơi chứa nước thải đóng kín nhằm không cho muỗi có nơi sinh sản, không trực tiếp thải nước chảy thẳng trên mặt đất gây mất vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, sau một tuần quay lại, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục. Hai bên nhà ông ngoài các loại rác vương vãi khắp nơi, nước thải sinh hoạt từ 5 căn nhà trọ của gia đình ông ngay cạnh đó cũng được thải ra vườn, ứ đọng lại lâu ngày thành những ụ nước đen thui, bốc mùi hôi và đầy lăng quăng. Đây chính là nơi sinh sản, trú ẩn của muỗi. Lần này, đoàn cũng nhắc nhở gia đình ông khẩn trương dọn dẹp, giải phóng rác, nước ứ đọng, nếu không sẽ áp dụng biện pháp xử lý.

Tại nhóm trẻ gia đình của ông Hà Văn Thuần hiện đang trông giữ 7 trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ngay bên cạnh đó là một vũng nước tù đọng lâu ngày to tướng. Theo người trông giữ trẻ nơi đây, vũng nước này là do một số hộ dân, nhà trọ xung quanh thải ra, lâu ngày không có nơi thoát, ứ đọng lại, gây mất vệ sinh. Được biết từ 4 năm trước, cán bộ y tế khu phố đã đến nhắc nhở, nhưng tình hình trên đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền, một vũng nước đọng phía trước nhà chứa đầy lăng quăng được che lại bởi một tấm tôn nát. Nếu tất cả những con lăng quăng này đều “biến” thành muỗi thì sẽ có đến mấy ngàn con muỗi gây hại cho người. Vậy mà không biết sao, chủ nhà cứ để nó tồn tại ngày này qua ngày khác trước nhà mình như thế.

Có một thực trạng là trên địa bàn khu phố 3 vẫn còn rất nhiều khu đất trống. Cây cỏ mọc lên um tùm, là điều kiện để muỗi trú ẩn, sinh sống. Không những thế, do không có chủ quản lý, nên nhiều người dân thừa dịp xả rác thải, xà bần ra những bãi đất trống này, gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường. Tại một cơ sở nhà trọ không chủ ở tổ 21, ngoài cây cỏ ùm tùm, rác cũng vương vãi đầy sân. Một chị ở trọ tại cơ sở này cho biết, một số người dân ở phía trước còn mang rác vào đây vứt bừa bãi, mới gây nên tình trạng này.

Chị Bùi Thị Linh Trang, cán bộ y tế khu phố 3 cho biết, vấn đề nan giải ở đây là bản thân của người dân không ý thức nên công tác này vẫn còn khó khăn. “Trong đợt diễn ra chiến dịch, do lực lượng quá mỏng nên không đủ sức để làm vệ sinh ở những bãi đất trống. Qua ý kiến nhắc nhở của đoàn, khu phố sẽ huy động thêm lực lượng bên đoàn thanh niên và xe tiến hành phát quang, dọn dẹp sạch sẽ những nơi này, nhằm trả lại sự thông thoáng cho môi trường...”. Sau buổi kiểm tra, bác sĩ Ngô Tùng Châu, Phó Giám đốc Sở y tế, đánh giá, công tác khắc phục so với tuần lễ trước tiến triển còn chậm. Theo bác sĩ Châu, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, tiếp tục vận động để người dân ý thức hơn. Công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chung của toàn dân. Việc tuyên truyền giáo dục không phải là ngày một ngày hai, mà là nhiệm vụ lâu dài, các cấp, ngành cần hỗ trợ ngành y tế hoàn thành nhiệm vụ.

Bác sĩ Ngô Tùng Châu, Phó Giám đôc Sở Y tế: “Ở khu phố 3 hiện còn nhiều bãi đất trống, không chủ và nhiều cơ sở nhà trọ. Qua kiểm tra cho thấy còn tồn tại nhiều vũng nước đọng đầy lăng quăng nhưng không có người xử lý, môi trường mất vệ sinh. Vì thế, địa phương nên có biện pháp mạnh hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường. Nếu tuyên truyền vận động không được, cần áp dụng biện pháp chế tài để lấy kinh phí phục vụ lại công tác bảo vệ môi trường. Bởi nếu không răn đe, không chế tài thì hết chiến dịch tình trạng trên sẽ trở lại như cũ...”, bác sĩ Châu cho biết.

HỒNG THUẬN