Chiến dịch “giải cứu” đa dạng sinh học toàn cầu

Thứ ba, ngày 25/05/2010

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa kêu gọi chính phủ các nước đưa ra một “kế hoạch giải cứu” nhằm giúp ngăn chặn và hy vọng có thể đảo ngược việc mất đa dạng sinh học toàn cầu nghiêm trọng như hiện nay.

 

Đầu tháng 5-2010, các nhà lãnh đạo thế giới đã xác nhận ‘thất bại’ trong cam kết của họ được đưa ra trong năm 2002 là giảm đáng kể tỷ lệ suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu năm 2010.

 

Ô nhiễm đe dọa tới loài mèo bắt cá ở Nam Á.

 

Theo tạp chí The Time Online (Anh), các nghiên cứu gần đây nhất của IUCN cho biết có 17.291 trong tổng số 47.677 loài trên thế giới được đánh giá ở mức độ ‘đe dọa tuyệt chủng’, bao gồm 21% động vật có vú, 30% động vật lưỡng cư, 35% động vật không xương sống và 70% các loài thực vật.

 

Trong số 5.490 loài động vật có vú trên hành tinh thì có đến 79 loài được phân loại ‘tuyệt chủng’ trong hoang dã, 188 loài ở mức ‘cực kỳ nguy cấp’, 449 loài ‘nguy cấp’ và 505 loài được xếp vào loại ‘dễ bị tổn thương’, theo báo cáo mới của Sách đỏ của IUCN cho biết.

 

Theo nghiên cứu mới của Liên hiệp quốc (UN) tại 120 quốc gia, UN công bố không có một quốc gia nào trên thế giới thành công trong việc ngăn chặn mất đa dạng sinh học toàn cầu và có 89% các quốc gia gửi báo cáo đến UN nhận định biến đổi khí hậu là một nguyên nhân, ngoài ra ô nhiễm và lây lan của các loài xâm hại cũng gây nguy hiểm cho các loài.

 

Chẳng hạn như loài mèo bắt cá (Prionailurus viverrinus) ở Nam Á được Sách đỏ của IUCN từng xếp ở mức ‘dễ bị tổn thương”, nhưng nay đã tăng lên ở mức ‘nguy cấp’ do các mối đe dọa tới môi trường sống của nó như ô nhiễm, sản xuất nông nghiệp, săn bắn quá mức và khai thác gỗ. Còn ‘dân số’ loài linh miêu Iberia (Lynx pardinus) đặc hữu của Tây Ban Nha và Bồ  Đào Nha hiện giảm xuống còn 84-143 cá thể, ‘cực kỳ nguy cấp’!

 

“Mức độ gây thiệt hại tới hệ sinh thái là lớn hơn nhiều so với trước đây”, ông Ahmed Djoghlaf, người đứng đầu nghiên cứu về đa dạng sinh học của UN nhấn mạnh.

 

Ông Djoghlaf bày tỏ lo ngại với báo The Time Online : “Mối đe dọa tới hệ sinh thái biển đang gia tăng một cách đáng kể và bây giờ đã trở thành ‘một trong những mối đe dọa lớn đối với tương lai của nhân loại”. Điển hình là loài cá heo Irrawaddy (Orcaella brevirostris) - một loài cá heo mỏ được tìm thấy ven bờ biển và cửa sông trong khu vực Đông Nam Á, và hai phân loài các heo sông Nam Á: cá heo sông Hằng (Platanista gangetica gangetica) và cá heo sông Ấn (Platanista gangetica minor) được liệt kê trong Sách đỏ của IUCN là ‘dễ bị tổn thương’ và ‘nguy cấp’.

 

Những quyết định chủ chốt có thể giúp đảo ngược tình trạng cấp bách trên sẽ được đưa ra tại cuộc họp do Cơ quan hỗ trợ Tư vấn Khoa học, Công nghệ và Kỹ thuật (SBSTTA) thuộc Công ước Đa dạng sinh học tổ chức, diễn ra từ ngày 10-21/5/2010 tại thủ đô Nairobi, Kenya, châu Phi. Các nhà khoa học tại SBSTTA cùng với một phái đoàn từ IUCN sẽ làm việc với các chính phủ trên thế giới để xây dựng một ‘kế hoạch lớn’ theo cách tốt nhất để cứu nguy sự sống trên trái đất, đa dạng sinh học của hành tinh.

 

Một số lĩnh vực chính được thảo luận bao gồm đa dạng sinh học của các khu vực được bảo vệ, vùng nước nội địa, vùng biển và ven biển, những mối liên hệ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, nhiên liệu sinh học và các loài xâm lấn.

 

“Chúng ta không thể quên rằng tất cả các hoạt động kinh tế toàn cầu đều có mối liên hệ tới thiên nhiên. Chúng ta cần các mục tiêu mới và một nỗ lực phối hợp để đảm bảo tài sản tự nhiên của chúng ta được bảo vệ”, bà Jane Smart, giám đốc nhóm Bảo tồn đa dạng sinh học của IUCN nói.

 

“SBSTTA là một bước quan trọng trong tiến trình ngăn chặn cuộc khủng hoảng tuyệt chủng các loài. Nếu chính phủ có đồng ý kiến với những trình bày khoa học tại SBSTTA, thì chúng tôi đứng trước một cơ hội lớn trong việc có thể đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học như hiện nay”, cô Sonia Peña Moreno, cán bộ phụ trách chính sách Đa dạng sinh học của IUCN nói.

 

Các quyết định được đưa ra tại SBSTTA ở Nairobi sẽ cung cấp một cơ sở khoa học cho những cuộc thảo luận tại cuộc họp lần thứ 10 của Hội nghị các bên về Công ước Đa dạng sinh học sẽ được diễn ra trong tháng 10 tới tại thành phố Nagoya, Nhật Bản.

 

(THEO VNN)