Chia sẻ mã QR lên mạng xã hội: Tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân

Thứ bảy, ngày 09/10/2021

(BDO) Những ngày qua, nhiều người “vô tư” trao đổi, chia sẻ mã QR từ Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT), cập nhật mã vạch khi được tiêm 1 - 2 mũi vắc xin, điều này vô tình để lộ lọt thông tin cá nhân và có nguy cơ bị lợi dụng, chiếm đoạt tài sản...

Trước tình hình trên, lực lượng chức năng khuyến cáo mã QR phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể được cung cấp qua ứng dụng BlueZone/PC-Covid. Đây là các ứng dụng được sử dụng phổ biến được dùng để quét mã QR nhằm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện “bình thường mới”. Mã QR có tích hợp một số thông tin cá nhân cơ bản, thông tin tiêm chủng, kết quả xét nghiệm của mỗi người dân.

Bình Dương nói chung và TP.Thủ Dầu Một nói riêng đã triển khai thực hiện quét mã QR tại các chốt kiểm soát dịch, quản lý người vào, ra tại các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người, các địa điểm sản xuất kinh doanh, làm việc, giải trí... trên toàn địa bàn. Do đó, đòi hỏi mọi người dân sử dụng điện thoại thông minh cần tải các ứng dụng BlueZone/PC-Covid để thực hiện quét mã khi qua các chốt kiểm soát, đến các nơi công cộng.

Việc chia sẻ mã QR lên mạng xã hội là hết sức nguy hại, người dùng khó nhận biết. Bởi vì khi đưa mã QR từ ứng dụng BlueZone/PC-Covid (không che mờ) lên mạng xã hội, internet, người khác chỉ cần một thao tác đơn giản như mở phần mềm quét mã QR là có thể lấy được thông tin. Điều này vô tình tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng, rất nguy hiểm. Những thông tin dễ bị lộ lọt qua việc chia sẻ mã QR như: Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sinh, số CMND, CCCD... Chỉ cần lấy được những thông tin này, đối tượng xấu có thể làm nhiều chiêu trò nhằm mạo danh hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người chủ mã QR.

Vì lý do này, người dân chỉ nên trình ra khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu, không nên công khai, chia sẻ mã QR trên mạng xã hội.

QUỲNH NHƯ