Chia sẻ kinh nghiệm nâng chất lượng thi quốc gia môn Lịch sử
(BDO) Cuối tuần qua, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng ôn tập thi THPT quốc gia năm 2018 ở các môn thi, trong đó có môn Lịch sử. Tại đây, các giáo viên (GV) đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức giảng dạy, ôn tập môn thi này.
Nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa
Theo quy chế thi THPT quốc gia, trừ bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi trắc nghiệm. Về nội dung thi, ngoài chương trình lớp 12 còn có lượng kiến thức lớp 11. Theo thầy Lê Văn Hùng, trường THPT Bến Cát, cấu trúc đề thi năm nay sẽ có 8 câu Lịch sử lớp 11 và 32 câu lớp 12. Số lượng câu hỏi yêu cầu ở mức độ thông hiểu và vận dụng sẽ chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với năm 2017. Qua đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố cho thấy, 40 câu không có điểm kiến thức nào là tập trung. Vì vậy, học sinh (HS) không được học tủ một số bài học được cho là quan trọng và dễ ra. Một bộ đề trắc nghiệm sẽ bao quát đầy đủ các bài học và các điểm kiến thức trong chương trình, do đó các em cần học và đọc sách giáo khoa tất cả bài học. Khi học bài HS cũng nên ghép chung các đối tượng lại với nhau theo cách lược hóa chúng. Các em phải đọc sách hoặc nghe giảng để hiểu mối quan hệ giữa các từ khóa đó. Khi HS nắm vững mối liên hệ giữa các sự kiện, thông tin thì việc học các từ khóa đi liền nhau sẽ dễ dàng. Do đó, việc dạy và học phải chú ý đến mối quan hệ giữa các sự kiện.
Giáo viên tham dự hội thảo nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia môn Sử
Để đạt hiệu quả cao ở kỳ thi THPT quốc gia, trước tiên các em phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Trắc nghiệm là hình thức tương đối mới và khó đối với môn Lịch sử. Điều đó đòi hỏi các em phải học thuộc, ghi nhớ các sự kiện, hiểu rộng, có kỹ năng đánh giá, nhận xét, phân tích, biết khai thác kiến thức sách giáo khoa. Với GV, các thầy cô nên dành một khoảng thời gian trong tiết học để cho HS xem thêm phim tư liệu lịch sử, đồng thời hướng dẫn các em xem và tìm hiểu thêm ở nhà. Thông qua các bài học, HS lập hệ thống sơ đồ tư duy và ghi nhớ lại kiến thức. Bên cạnh đó các em soạn hệ thống câu hỏi phù hợp theo từng bài để ôn luyện, khi đã thành thạo thì xáo trộn câu hỏi để rèn luyện thêm.
Cũng theo thầy Lê Văn Hùng, với HS đặt mục tiêu vào đại học thì phương pháp học lịch sử có thể áp dụng theo chủ đề, vì lịch sử có tiến trình và tác động liên quan đến nhau. Xác định trọng tâm mỗi phần, lập sơ đồ tư duy, từ một vấn đề có thể mở rộng ra, xâu chuỗi lại. Có thể lập sơ đồ tư duy tổng quát, tư duy theo chủ đề hoặc tư duy theo nhân vật.
Hướng dẫn HS làm sơ đồ tư duy
Qua kỳ thi năm 2017 cho thấy, những em chọn thi bộ môn xã hội có lực học trung bình hoặc trung bình yếu, tuy nhiên vẫn có những em chọn vì đam mê. Ở trường THPT Trần Văn Ơn (TX.Thuận An), qua các kỳ thi THPT quốc gia, số HS chọn thi môn Sử khá cao. Riêng năm học 2017-2018, hơn 50% HS chọn môn Sử. Theo kinh nghiệm của các thầy cô dạy sử, với số lượng HS đăng ký nhiều như vậy, các GV đã họp để cùng nhau đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, với mục tiêu đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.
Kinh nghiệm của các thầy cô là, trong quá trình giảng dạy, tùy vào nội dung và tính chất của từng bài giảng, sau mỗi bài học, mỗi chương, mỗi giai đoạn GV có thể định hướng, hướng dẫn HS làm sơ đồ tư duy, từ ý lớn sang ý nhỏ theo phương pháp diễn dịch: Luận điểm, luận cứ, luận chứng. Từ những kiến thức, sự kiện, vấn đề cơ bản của từng bài, từng chương, từng phần trong sách giáo khoa, thông qua sơ đồ tư duy, các em sẽ tự biết cách tổng hợp và xâu chuỗi kiến thức theo trình tự, trật tự kiến thức và lý giải các mối quan hệ tác động biện chứng, nhân quả giữa các vấn đề, sự kiện. Từ đó các em sẽ thấy các bài học trở nên ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Khi đó, kỹ năng tự học của các em sẽ trở nên bớt nhàm chán khi tự học ở nhà.
Ôn tập theo 2 vòng
Tùy theo đặc điểm mỗi trường, nhà trường có những biện pháp ôn tập, nhằm đem lại kết quả tốt nhất. Với trường THPT Bình An (TX.Dĩ An), nhóm GV dạy sử đã thực hiện nhiều giải pháp thật hữu ích. Thầy cô thực hiện ôn tập theo 2 vòng. Vòng 1 ôn theo từng phần, từng chương, vòng 2 ôn tổng hợp theo đề thi thử. Nội dung ôn tập theo hướng phân hóa đề thi theo cấp độ. Các tiết ôn tập hệ thống lại các kiến thức đã học cho HS. Thầy cô chuẩn bị nhiều câu hỏi trắc nghiệm cho HS làm bài trước khi đến lớp. GV còn hướng dẫn các em về nhà tự ôn tập, tự nghiên cứu tài liệu, luyện đề. Thầy cô phân tích cho HS cấu trúc đề minh họa năm 2018, hướng dẫn các em phương pháp làm bài, rèn luyện các kỹ năng làm bài trắc nghiệm. Cùng đồng lòng nâng cao chất lượng thi, GV thường xuyên dự giờ để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đưa ra nhiều phương pháp dạy học tích cực giúp HS ôn tập tốt…
H.THÁI (Ghi)