Chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động bị hành

Thứ năm, ngày 08/07/2010

Sau khi nghỉ việc, phần đông người lao động thất nghiệp đều mong muốn sớm nhận được khoản tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như quy định. Thế nhưng, do quy trình vận hành chính sách này chưa khoa học, cộng thêm sự chậm trễ lập hồ sơ đăng ký hưởng BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động, nên người thụ hưởng vẫn bị... hành.

 

Vướng mắc do đâu?

 

Trao đổi với chúng tôi tại điểm đăng ký hưởng chế độ BHTN, anh Lưu Kim Hán vừa nghỉ việc ở Công ty Chuyển phát nhanh DHL-VNPT lắc đầu nói: “Vì sức khỏe có vấn đề nên tôi làm đơn xin nghỉ việc từ 25-3-2010 và đến ngày 8-4 chính thức nghỉ làm theo Bộ luật Lao động. Thế nhưng đến ngày 17-5, công ty mới có quyết định cho nghỉ việc và 20 ngày sau mới kêu tôi lên nhận văn bản này. Đến ngày 9-6, sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của tôi mới được chốt. Như vậy mọi chuyện chậm trễ không phải lỗi của tôi, mà do công ty chậm thực hiện các quy định về lập hồ sơ và giúp người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN”.

 

Người lao động làm thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM.

 

Tương tự, chị Trịnh Thị Hải, nhân viên thương mại Văn phòng đại diện Công ty Thaiming, cũng cho rằng mình bị “hành” khi đăng ký hưởng BHTN là do đơn vị thiếu trách nhiệm trong việc giúp người lao động nghỉ việc làm hồ sơ đầy đủ để hưởng chế độ này. Chị phải tự đi làm mọi thủ tục, hồ sơ và chạy tới chạy lui mất nhiều thời gian.

 

Thực tế cho thấy, việc đăng ký hưởng BHTN sẽ đơn giản hơn khi người sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động, thực hiện đúng quy định về lập hồ sơ, cung cấp các văn bản cần thiết để họ hoàn thiện hồ sơ đầy đủ. Khảo sát tại điểm đăng ký BHTN thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, chúng tôi nhận thấy nhiều lao động nghỉ việc được đơn vị sử dụng lao động quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lập và hoàn thiện hồ sơ đăng ký hưởng BHTN, thì việc đăng ký hưởng BHTN dễ dàng, nhanh chóng.

 

Ngược lại, những trường hợp chủ sử dụng lao động nào thiếu quan tâm, chậm trễ trong việc ban hành quyết định nghỉ việc và kết sổ BHXH, để người lao động tự bơi, thì người lao động không tránh khỏi nỗi khổ bị hành lên hành xuống.

 

Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động –Tiền lương- Tiền công (Sở LĐTB-XH TP), tính đến cuối tháng 6-2010, TPHCM đã có 27.143 người lao động đăng ký thất nghiệp, trong đó có 19.805 người đã hoàn tất hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và trong số này có 15.193 người được cấp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Điều này cho thấy chính sách BHTN đã phát huy tác dụng, hỗ trợ về kinh tế khá hữu hiệu cho người lao động bị thất nghiệp tìm kiếm việc làm mới, ổn định cuộc sống.

 

Anh Đăng Chiến đã nghỉ việc ở công ty may mặc hàng xuất khẩu bộc bạch: “Với khoản trợ cấp thất nghiệp nhận được là 3 tháng lương cũng giúp tôi có thêm điều kiện tìm kiếm việc làm mới”.

 

 

 

Cần có quy định thống nhất và cụ thể

 

Bà Trịnh Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, nhận định: “Mặc dù việc tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và người lao động khá sâu rộng nhưng do cơ sở vật chất, nhân lực còn thiếu, lượng người đăng ký hưởng BHTN ở TPHCM đông, cộng thêm thời gian chuẩn bị triển khai thực hiện quá ngắn, quy trình phối hợp giữa các đơn vị còn lúng túng đã dẫn đến việc chi trả BHTN còn chậm, khiến người lao động bức xúc. Đó là chưa kể quy trình mới chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp hàng tháng lần đầu và chưa có hướng dẫn cụ thể về các bước thông báo tìm việc, trợ cấp hàng tháng tiếp theo. Về quy trình hỗ trợ việc làm và học nghề cũng chưa đầy đủ, chi tiết, khiến trung tâm lúng túng trong thực hiện…”.

 

Sau 6 tháng triển khai việc chi trả trợ cấp BHTN, tuy Sở LĐTB-XH TP và BHXH TPHCM đã chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chốt sổ BHXH, chi trả tiền trợ cấp qua thẻ ATM… nhưng nhìn lại quy trình thực hiện chính sách này chưa khoa học, đồng bộ. Vướng mắc nổi cộm là quy định về thời gian nộp hồ sơ đăng ký BHTN quá ngắn, chưa sát với thực tế, khiến cho các đơn vị thực thi chính sách lúng túng, còn người lao động thì bị thiệt thòi quyền lợi.

 

Để làm tốt công tác BHTN, Bộ LĐTB-XH cần sớm có đánh giá thực tế quy trình triển khai ở các địa phương để rút kinh nghiệm, nhanh chóng sửa đổi bổ sung các quy định sao cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp thụ hưởng chính sách BHTN.

 

Để tạo thuận lợi cho người lao động đòi hỏi phải có một quy trình khoa học, chính xác kèm theo những quy định thống nhất, cụ thể, nhất là điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ đăng ký BHTN. Riêng đối với những địa phương có số lượng đăng ký BHTN đông như TPHCM, thì phải tính đến yếu tố đặc thù để nới rộng thêm quy định.

 

THEO SGGP