Chỉ thị về tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả
(BDO) Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thông qua nguồn vốn của mình, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Dương đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...
Cán bộ Chi nhánh NHCSXH Bình Dương hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn
Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội
Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Chi nhánh NHCSXH Bình Dương thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc. Chỉ thị số 40 có nhiều nội dung, trong đó nội dung quan trọng là chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Từ nhận thức trên, hàng năm, bên cạnh việc tranh thủ tối đa nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ Trung ương chuyển về, Bình Dương luôn dành ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn một cách hiệu quả, thiết thực.
Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40, tổng dư nợ trên địa bàn Bình Dương đạt 1.050 tỷ đồng (bình quân 13 triệu đồng/hộ) với 10 chương trình cho vay, trong đó vốn ủy thác địa phương chỉ đạt 64 tỷ đồng (chiếm 6% tổng nguồn vốn). Đến nay, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH là 1.806 tỷ đồng, tăng 1.742 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh là 1.556 tỷ đồng (tăng 1.497 tỷ đồng) và ngân sách cấp huyện là 250 tỷ đồng (tăng 245 tỷ đồng).
Đến ngày 25-6-2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh là 3.616 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 1.810 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,04% tổng nguồn vốn; nguồn ủy thác địa phương là 1.806 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 49.96% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến các khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn.
Hiệu quả sử dụng vốn vay của các đối tượng
Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Bình Dương, cho biết Chỉ thị số 40 ra đời đã tạo sự chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách rất lớn. Đặc biệt, hàng năm, tỉnh và các địa phương đã giành một phần ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
“Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng phù hợp lòng dân, là một chủ trương quan trọng, tiếp tục làm thay đổi về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội”. (Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương) |
Trong 7 năm qua, tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn cho hơn 170.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với tổng số tiền đã giải ngân là 5.288 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần giúp cho hơn 15.000 lượt hộ vượt ngưỡng nghèo vươn lên làm giàu; hơn 6.000 học sinh sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn; hơn 100.000 lao động được duy trì, tạo việc làm mới; hơn 98.000 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng mới, sửa chữa đạt chuẩn quốc gia; giải ngân cho 301 hộ vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc sửa chữa nhà để ở; cho 40 doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp một phần giúp cho 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen.
Thực hiện Chỉ thị số 40, việc nhận thức của các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đã được nâng lên. Từ đó, các cấp hội đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; hướng dẫn và bình xét đối tượng vay vốn được thực hiện đúng quy định; công tác kiểm tra giám sát, thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Kết quả đạt được của tín dụng chính sách xã hội đã triển khai thực hiện trong thời gian qua cho thấy, Chị thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã và đang đi vào cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tăng 1,5 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40; vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm an sinh xã hội.
TƯỜNG VY