Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng so với cùng kỳ

Thứ tư, ngày 21/08/2024

(BDO)

Trong nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô 7 tháng vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp là một trong những chỉ số có tăng trưởng đáng chú ý. Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tiếp tục tăng, tính trung bình 7 tháng của năm 2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng tới 9,5% và tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ...

Để hỗ trợ địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ Công thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, phát triển thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp tục giữ vững, cũng cố vị thế tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các bộ ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại.


Ngành chế biến gỗ xuất khẩu có mức tăng trưởng cao trong 7 tháng của năm 2024

Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh mạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước trong 7 tháng ước đạt gần 227 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 200 tỷ đô la Mỹ, chiếm 88,1% nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong đó lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ đều đang tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước Châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng, mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp, việc tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo đã góp phần tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tại Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đạt gần 18,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,6%; thặng dư thương mại đạt 5,4 tỷ đô la Mỹ. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương trong 7 tháng đầu năm 2014 lấy lại đà tăng trưởng và tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2023, đơn cử như ngành gỗ có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 21,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 18,7% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu ngành giày da đạt hơn 1 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,5% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 908 triệu đô la Mỹ, tăng so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho biết, kết quả xuất khẩu trong những tháng đầu năm là rất tích cực trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên chúng tôi thấy rằng tình hình đơn hàng cũng chưa phải ổn định, do vậy trong những tháng cuối năm cũng phải tìm cách tăng cường xúc thương mại, để hy vọng có những đơn hàng tốt hơn.

Nền kinh tế cả nước nói chung, tại tỉnh Bình Dương nói riêng tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp thì quá trình khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tỷ giá đồng đô la Mỹ và giá vàng, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, cước vận tải chưa giảm, tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp.


Khu công nghiệp VSIP Bình Dương

Nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu UBND tỉnh và cấp thẩm quyền có hướng tháo gỡ khó khăn là yêu cầu quan tâm hàng đầu của Sở Công thương tỉnh Bình Dương.

Sở Công thương cho biết, trên cơ sở các kết quả đạt được trong 7 tháng của năm 2024, đánh giá những yếu tố tác động từ bối cảnh quốc tế và trong nước, dự ước cả năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có khả năng đạt 100% kế hoạch, trong đó xuất khẩu ước đạt 33,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu ước đạt 24,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại đạt xuất siêu 9,8 tỷ đô la Mỹ.

Để đạt được mục tiêu này trong những tháng còn lại của năm 2024, ngành công thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, củng cố các thị trường xuất khẩu chủ lực, cũng như mở rộng thị trường các nước có lợi thế từ cam kết các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đồng thời, Sở Công thương cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương phối hợp các sở, ngành thực hiện các hoạt động ngoại giao kinh tế, mời các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tỉnh Bình Dương tham quan cơ sở hạ tầng, mời gọi đầu tư, hợp tác thương mại, tăng cường thu hút đầu tư các dự án dịch vụ logistics, phục vụ phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu, quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu hướng đến nền sản xuất, xuất khẩu bền vững.

Công Danh – Văn phòng Sở