Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020: Bình Dương thăng tiến ngoạn mục

Thứ sáu, ngày 16/04/2021

(BDO)

Hạ tầng các khu công nghiệp của Bình Dương được đầu tư đồng bộ, kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: NGỌC THANH

Môi trường đầu tư được đánh giá cao

Báo cáo PCI năm 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 12.300 doanh nghiệp. Trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam. Kết quả, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì hạng nhất, Đồng Tháp thứ nhì, Long An thứ ba. Bình Dương vượt 9 bậc, từ hạng 13 (năm 2019) vươn lên xếp thứ tư, lọt vào top 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng PCI năm 2020.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết PCI là một chỉ số của hành động, thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp, là sự tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở. Thực tế, PCI đã cổ vũ và lan tỏa nhiều thực tiễn tốt tại Việt Nam trong thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, tiến sĩ Lộc cho rằng chỉ số PCI năm 2020 của Bình Dương đã nói lên những nỗ lực mạnh mẽ của địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo nên môi trường hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. “Tôi đánh giá cao tỉnh Bình Dương thật sự đã tạo một vùng đổi mới sáng tạo. Tỉnh không chỉ tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng mà quan trọng đã xây dựng một hệ sinh thái tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến. Tôi tin tưởng thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy các lợi thế của mình để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh”, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Tăng cường cải cách hành chính

Năm 2020, những tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt khó, Bình Dương vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của tỉnh tăng 6,19% so với năm 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,02%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 133.568 tỷ đồng, tăng 11,6%, tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 1,85 tỷ USD, vốn đầu tư trong nước đạt hơn 70.000 tỷ đồng. Thu FDI lũy kế đến nay đạt 35,8 tỷ USD với 3.960 dự án, xếp thứ ba cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kim ngạch xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD, xuất siêu 6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 61.400 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 45.300 lao động; thu nhập bình quân đầu người 151 triệu đồng/năm.

Những thành tựu nói trên là nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, các sở, ban, ngành đã tiếp nhận gần 168.000 hồ sơ thủ tục hành chính, tăng 39.440 hồ sơ, trong đó đã giải quyết đúng hạn gần 160.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,85%, góp phần giải quyết nhanh các nhu cầu của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch và thực hiện tốt các thủ tục hành chính công mức độ 3 và 4. Trong năm, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến chiếm 43,63%, tỷ lệ hồ sơ được nhận tại địa chỉ qua bưu chính đạt 7,63% và 24,45% tỷ lệ hồ sơ trả kết quả tại địa chỉ.

Năm 2020, hơn 50% số hồ sơ mà người dân, doanh nghiệp không cần đến trực tiếp Trung tâm Hành chính công tỉnh vẫn giải quyết được thủ tục hành chính. Trong đó, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 99,4%, tăng 33,4% so với năm 2019. Người dân và doanh nghiệp giảm được chi phí về thời gian và chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, tỉnh đã tích cực rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết với 86 thủ tục, trong đó cấp tỉnh giảm 71 thủ tục; cấp huyện giảm 13 thủ tục; cấp xã giảm 2 thủ tục so với năm 2019.

Bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tỉnh luôn xem cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó hạ tầng giao thông là ưu tiên hàng đầu để thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư gắn bó lâu dài với địa phương. Tỉnh đã tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông đối nội thông suốt, mang tính chất lan tỏa và kết nối với các tuyến đường đối ngoại nhằm liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với hệ thống các cảng biển để lưu thông hàng hóa. Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên thực hiện đầu tư các tuyến đường vành đai đoạn qua tỉnh và phối hợp với các địa phương trong vùng xây dựng hạ tầng đường, cầu nối giữa hai tỉnh để thông thương hàng hóa được thuận lợi.

Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc. Trong đó, tỉnh ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chế tạo thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng lớn, sử dụng đất đai, lao động hiệu quả.  

Trong 3 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã thu hút 30.794 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tăng 50,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký thành lập mới đạt hơn 10.700 tỷ đồng, vốn điều chỉnh tăng thêm đạt 22.326 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 50.401 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 473.600 tỷ đồng. Cùng thời gian trên, thu hút FDI của tỉnh đạt 467 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ, đạt 26% kế hoạch năm 2021. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.960 dự án vốn FDI với tổng vốn đăng ký 35,8 tỷ USD.

MINH DUY