Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao gây nguy cơ lạm phát

Thứ hai, ngày 22/03/2010

 

Theo  thống kê của Cục thống kê TP.HCM , CPI tháng 3 của thành phố cao hơn 0,78% so với tháng 2 (1,68%). Tính chung quý I-2010 CPI cao thêm 3,78% và  tăng 10,27% cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

 

Nhóm tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng ở mức 1,48% so với tháng trước. Tiếp đến là nhóm nhà ở -vật liệu xây dựng, tăng 1,26%;  Nhóm hàng ăn  tăng1%.

 

Các nhóm khác như: đồ uống và thuốc lá, may mặc-mũ nón-giày dép, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa-giải trí và du lịch, hàng hóa và dịch vụ khác, có mức tăng nhẹ từ 0,29-0,8%.

 

Tại Hà Nội, chỉ số CPI tháng 3 tăng ở mức 0,75% so với tháng 2. Tính chung quý I-2010, CPI của Hà Nội tăng 9,58%.

 

Tăng mạnh nhất là nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống, tăng tới 1,23%. Đứng thứ hai là nhóm nhà ở, điện nước và chất đốt, giao thông, dịch vụ giải trí, du lịch. 3 nhóm hàng hóa được coi là tăng thấp nhất gồm: thuốc và dịch vụ y tế;  giáo dục; may mặc, giày dép dao động từ 0,12%-0,92%.

 

Cuối tuần vừa qua, trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội đã có những chỉ đạo về giá. Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, giá cả thị trường hiện còn có nhiều nhân tố ảo nên Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ. Thời gian vừa qua, giá cả chịu sự tác động của việc tăng giá đồng loạt, trong đó có giá than, giá điện tăng, giá tiêu dùng và giá của các hàng hóa khác. Việc điều chỉnh giá vật tư cơ bản như vừa qua có thể là theo lộ trình, nhưng lộ trình đó đặt ra khi không có khủng hoảng, nên thời gian tới cần cân nhắc mức độ điều chỉnh cho phù hợp.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, dự báo CPI của Hà Nội tháng 3-2010 có thể tăng khoảng 0,3 - 0,4%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM có thể thấp hơn. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính dự báo CPI cả nước tháng 3-2010 có thể tăng khoảng 0,5%. Tuy nhiên mức tăng hơn mức dự báo của hai thành phố lớn có thể khiến mức CPI tháng 3 tăng cao hơn mức dự báo.

 

Nguy cơ lạm phát đã thấy rõ trong khi các ban, ngành vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp bình ổn giá nhằm kéo lạm phát xuống mức thấp hơn.

 

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh IQLinks cho rằng, thông thường theo các năm CPI tháng 3 sẽ tăng chậm hoặc âm so với hai tháng cao điểm giáp tết. Mức tăng đó thể hiện sự ổn định của nền kinh tế, bởi theo quy luật, giá tăng mạnh chỉ vào dịp mọi nhu cầu tăng như tháng 1, tháng 2, tháng 9. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, thị trường tín dụng  với mức lãi suất quá cao đang là mối lo ngại của nhiều doanh nghiệp, giới đầu tư và người tiêu dùng. Trong khi Chính phủ dùng mọi biện pháp để giảm giá thì nhiều doanh nghiệp lo giữ giá còn rất khó.

(Theo VnMedia)