Chỉ số cải cách hành chính cấp huyện: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tăng cao

Thứ tư, ngày 10/05/2017

Năm 2015, kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các huyện, thị, thành phố đạt kết quả khá và tốt (Chỉ số CCHC trên 65%), không có địa phương đạt kết quả trung bình, Chỉ số CCHC trung bình đạt 72,9%. Từ đó cho thấy sự nỗ lực của các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

(BDO)

TX.Thuận An thực hiện mở rộng khu vực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại UBND thị xã theo hướng tích hợp

TP.Thủ Dầu Một đạt mức tốt

Chỉ số CCHC năm 2015 của các huyện, thị, thành phố với kết quả được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt chỉ số CCHC ở mức tốt (trên 80%) là TP.Thủ Dầu Một (đạt nhóm đầu về chỉ số CCHC 2 năm liền 2014 và 2015). Nhóm thứ hai, đạt Chỉ số CCHC ở mức khá (dưới 80% và trên 65%) gồm 8 địa phương: TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Thuận An, H.Phú Giáo, TX.Bến Cát, H.Bắc Tân Uyên, H.Bàu Bàng và H.Dầu Tiếng. So với năm 2014, có 4 địa phương tăng kết quả xếp loại, trong đó TP.Thủ Dầu Một tăng từ khá lên tốt. TX.Bến Cát, H.Bắc Tân Uyên và H.Bàu Bàng tăng từ trung bình lên khá. Các địa phương còn lại giữ nguyên kết quả xếp loại và không có địa phương giảm kết quả xếp loại so với năm 2014.

Chỉ số CCHC trung bình của các huyện, thị, thành phố năm 2015 tăng 5,57% so với năm 2014 (năm 2014 đạt 67,3%). Có 8/9 huyện, thị, thành phố có kết quả Chỉ số CCHC năm 2015 tăng so với năm 2014, trong đó TP.Thủ Dầu Một đạt 84,31%, H.Bàu Bàng và H.Bắc Tân Uyên có kết quả tăng nhiều nhất với chỉ số tăng lần lượt là 14,13% và 13,22%. H.Dầu Tiếng là địa phương duy nhất có chỉ số giảm (giảm 0,88% so với năm 2014). H.Bắc Tân Uyên và H.Bàu Bàng là hai địa phương có kết quả Chỉ số CCHC năm 2015 tăng cao so với năm 2014. Một trong những nguyên nhân là do năm 2014 hai địa phương này mới được thành lập, đang trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, ổn định nhân sự nên kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2014 vẫn còn hạn chế nhất định.

Năm 2015, hai địa phương đã kịp thời triển khai thực hiện công tác CCHC theo quy định, đặc biệt là việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp phù hợp với thực tế khi địa giới hành chính có thay đổi. TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát sau khi chia tách đã kịp thời ổn định tổ chức, nhân sự để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tình hình mới, kết hợp thực hiện công tác CCHC trên cơ sở bảo đảm phù hợp với các đơn vị hành chính mới trên địa bàn.

Công tác chỉ đạo, điều hành tăng điểm

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên 8 lĩnh vực đánh giá Chỉ số CCHC cấp huyện có 6 lĩnh vực chỉ số thành phần tăng so với năm 2014 là chỉ đạo, điều hành CCHC (tăng 17,74%); cải cách thủ tục hành chính (TTHC) (tăng 6,33%); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước (tăng 8,8%); xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC-VC (tăng 17,53%); hiện đại hóa nền hành chính (tăng 2,79%) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (tăng 1,12%). Trong khi đó, có 2 lĩnh vực có chỉ số thành phần giảm là xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL (giảm 26,01%) và cải cách tài chính công (giảm 31,36%).

Chỉ số thành phần chỉ đạo, điều hành CCHC là chỉ số tăng cao nhất trong 8 chỉ số thành phần về CCHC của các huyện, thị, thành phố. Lãnh đạo các địa phương đã có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối với công tác CCHC, chú trọng xây dựng kế hoạch CCHC bảo đảm đầy đủ 6 nội dung theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch CCHC hàng năm của tỉnh; bố trí kinh phí để thực hiện công tác CCHC. Ngoài ra, các báo cáo CCHC định kỳ và nội dung báo cáo bảo đảm đầy đủ theo quy định; thực hiện kiểm tra công tác CCHC và có kế hoạch, nội dung tuyên truyền CCHC trên địa bàn. Điểm tối đa của tiêu chí chỉ đạo, điều hành CCHC là 16 điểm (10 điểm thẩm định và 6 điểm ĐTXHH).

Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC năm 2015 tăng 17,74% do các địa phương mới chia tách, thành lập như TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, H.Bắc Tân Uyên và H.Bàu Bàng. Từ đó, các huyện, thị này đã từng bước ổn định về tổ chức và hoạt động, tập trung chỉ đạo triển khai công tác CCHC tại địa phương. Ngoài ra, 9/9 huyện, thị, thành phố đã chú trọng trong công tác xây dựng kế hoạch CCHC hàng năm; báo cáo công tác CCHC kịp thời, đầy đủ; thực hiện kiểm tra CCHC đối với phòng ban chuyên môn và đơn vị hành chính cấp xã; xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch trong tuyên truyền CCHC trên địa bàn và tích cực quán triệt, triển khai nội dung công tác CCHC đến đội ngũ CBCC-VC…

Tăng mức độ hài lòng

Kết quả ĐTXHH của các huyện, thị, thành phố đạt từ 28,22 đến 31,86 điểm (tối đa 35 điểm) với tỷ lệ từ 80,63% đến 91,03%, kết quả trung bình đạt 86,92%, tăng 4,29% so với năm 2014. Từ đó cho thấy những nỗ lực trong thực hiện CCHC của các địa phương đã có kết quả tích cực, tác động đến các nhóm đối tượng tham gia ĐTXHH. Có từ 86,5% đến 94,17% đánh giá tốt, hài lòng về thái độ, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn của CBCC-VC cấp huyện; 6/9 địa phương có tỷ lệ đánh giá tốt về đội ngũ CBCC-VC trên 90% và 3 địa phương còn lại đều có kết quả đánh giá cao trên 86%.

Các huyện, thị, thành phố tiếp tục triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và các phòng ban có trao đổi công việc qua mạng nội bộ; đa số CBCC-VC sử dụng hộp thư điện tử trong thực hiện nhiệm vụ; duy trì hoạt động trang thông tin điện tử của địa phương. Một số địa phương đã thực hiện công bố và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước. Tất cả 100% huyện, thị, thành phố đã thực hiện công khai TTHC trên trang thông tin điện tử và 5/9 huyện, thị, thành phố đã cung cấp 100% TTHC mức độ 2 trên trang thông tin điện tử để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

ĐTXHH thông qua đánh giá chất lượng cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của các huyện, thị, thành phố đạt kết quả từ 82% đến 94%. Có 86% người được khảo sát đánh giá cao về việc thông tin được cập nhật kịp thời, thường xuyên về TTHC; thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của huyện, thị xã, thành phố được cung cấp kịp thời và mức độ thuận tiện, dễ dàng trong việc truy cập, tìm hiểu thông tin từ trang thông tin điện tử của các huyện, thị, thành phố (tăng 3,05% so với năm 2014).

Qua kết quả ĐTXHH có 87,67% người dân, doanh nghiệp hài lòng về nơi tiếp nhận hồ sơ; chất lượng giải quyết hồ sơ; thời gian giải quyết hồ sơ và thái độ phục vụ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (tăng 10,45% so với năm 2014), từ đó cho thấy chất lượng phục vụ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp huyện ngày càng được nâng cao.

 Có 2 địa phương là TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An có sáng kiến, đề xuất mới về TTHC. TP.Thủ Dầu Một thực hiện trình ký văn bản không thông qua văn phòng đối với “hồ sơ gấp, trả ngay trong ngày” để giảm quy trình, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC và thực hiện nhiệm vụ. TX.Thuận An thực hiện mở rộng khu vực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại UBND thị xã và tích hợp, bố trí người hướng dẫn ban đầu khi người dân, tổ chức liên hệ giải quyết TTHC để giảm thời gian tìm hiểu, chờ đợi khi thực hiện TTHC tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hiện đại của thị xã. Các sáng kiến của 2 địa phương đã được triển khai và áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả tích cực trong thực hiện CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng tại địa phương, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Năm 2015, kết quả trung bình các huyện, thị, thành phố đạt được là 75,92% (tăng 1,12% so với năm 2014). Có 5/9 huyện, thị, thành phố có kết quả chỉ số thành phần cao hơn chỉ số thành phần trung bình là TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên và TX.Thuận An. Đây là năm thứ hai triển khai thực hiện đề án tổ chức Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hiện đại cấp huyện theo Quyết định số 1036/QĐ-UBND của UBND tỉnh trong thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người dân, tổ chức.

S.TRÀ - K.YẾN