Chi phí logistics cao, doanh nghiệp khó “lớn”
(BDO) Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về logistics. Đây là dịp để các tỉnh, thành nhìn nhận lại thực trạng logistics (tạm gọi là hậu cần) trong nước hiện nay. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của hội nghị và nhấn mạnh, để chuyển biến tình hình logistics tại Việt Nam, cần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp thu những ý kiến tại hội nghị, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giảm chi phí dịch vụ logistics, góp phần kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Vấn đề nổi cộm hiện nay là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm 59%. Đối với các doanh nghiệp, chi phí logistics cũng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 20 - 30% chi phí đầu vào của sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường xuất khẩu. Các chuyên gia nhận định, vận tải đa phương thức chưa phát triển, quy mô doanh nghiệp logistics quá nhỏ… là những lý do khiến ngành logistics của Việt Nam chưa thể bứt phá.
Bình Dương là địa phương có hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện. Các trục đường lớn như Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13… nối Bình Dương với Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh… rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Hiện nay, Bình Dương có hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động logistics, có trụ sở tại các địa phương TP.Thủ Dầu Một, các TX.Dĩ An, Thuận An, Bến Cát… Tăng trưởng của ngành logistics tại Bình Dương những năm gần đây đạt bình quân 30%/năm.
Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế tỉnh nhà, Hiệp hội logistics Bình Dương đã được thành lập nhằm huy động các doanh nghiệp logistics tham gia vào chuỗi liên kết, cung ứng dịch vụ để giảm giá thành, phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa logistics trở thành ngành đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Theo các chuyên gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể đem lại tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 1 - 2% trong thời gian tới, nhưng kèm theo đó là sự cạnh tranh rất gay gắt ở thị trường xuất khẩu, bởi sân chơi này đã mở rộng biên độ và đối thủ cạnh tranh cũng nhiều hơn. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm giá thành dịch vụ chính là nhiệm vụ sống còn của Hiệp hội logistics Bình Dương trong thời gian tới.
HOÀNG PHONG