Chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972

Thứ bảy, ngày 10/12/2022

(BDO) Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972 có ý nghĩa lịch sử mang tầm vóc thời đại, là một trong những chiến công vang dội nhất, chói lọi nhất của dân tộc ta.

Cùng với các thắng lợi khác trên chiến trường miền Nam, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo bước ngoặt để quân và dân ta thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Bộ Quốc phòng là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên Bộ đội Phòng không-Không quân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1972.

Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội, QUTƯ và Bộ Quốc phòng đã được Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo từ rất sớm. Năm 1962, khi máy bay B-52 chưa tham chiến ở Việt Nam, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo đế quốc Mỹ sẽ sử dụng loại máy bay này ở Việt Nam và căn dặn: “Phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”.

Đúng như dự báo của Người, ngày 18-6-1965, lần đầu tiên đế quốc Mỹ sử dụng B-52 ném bom khu vực Bến Cát (Tây Bắc TP Sài Gòn). Người đã khẳng định ý chí sắt đá của Đảng và cả dân tộc: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Ngay sau khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh ra Quảng Bình (tháng 4-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ): “B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú PK-KQ”. Đến cuối năm 1967, Người đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Thực hiện chỉ thị, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, QUTƯ và Bộ Quốc phòng thường xuyên theo dõi sát tình hình, nắm bắt những hoạt động chính trị, ngoại giao trên thế giới và trong nước, các hoạt động quân sự trên chiến trường để chỉ đạo các lực lượng, nhất là lực lượng PK-KQ chủ động tiến hành các công tác chuẩn bị cần thiết bảo đảm thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân địch trên bầu trời Hà Nội.

Công tác chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, xây dựng thế trận PK-KQ của QUTƯ, Bộ Quốc phòng được tiến hành từ rất sớm. Nếu như trước khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (tháng 2-1965), Quân chủng PK-KQ chỉ có 12 trung đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn không quân chiến đấu và 3 trung đoàn radar với tổng quân số 18.244 người, trang bị chủ yếu là các loại vũ khí, khí tài cũ thì đến năm 1972, Quân chủng PK-KQ đã có đủ 4 binh chủng: Không quân, Tên lửa, Radar, Pháo phòng không, với tổng quân số 68.393 người, được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại. Lực lượng phòng không tầm thấp của các đơn vị binh chủng hợp thành và hàng trăm nghìn dân quân tự vệ được trang bị súng, pháo phòng không. Lực lượng PK-KQ phát triển nhanh chóng đã tạo điều kiện để QUTƯ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng thế trận phòng không nhân dân nhiều tầng, nhiều tầm, có thể đánh địch từ xa đến gần, từ mọi hướng, mọi độ cao, tập trung trên hướng chủ yếu, bảo vệ mục tiêu chủ yếu, nhất là Thủ đô Hà Nội.

Từ giữa năm 1966, QUTƯ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chỉ đạo Quân chủng PK-KQ đưa các đơn vị tên lửa, radar, không quân, trinh sát điện tử, cùng các “Đoàn công tác B” của Bộ Quốc phòng vào chiến trường Khu 4 để phối hợp chiến đấu và nghiên cứu cách đánh B-52. Những kinh nghiệm từ thực tiễn đánh B-52 đã giúp cho lực lượng PK-KQ nắm rõ hơn về quy luật hoạt động, tìm ra nguyên nhân cơ bản ta chưa bắn rơi tại chỗ B-52. Đây là những kinh nghiệm vô cùng quý giá sau nhiều năm chiến đấu với không quân địch để Quân chủng PK-KQ nghiên cứu biên soạn tài liệu “Cách đánh B-52”.

Dưới sự chỉ đạo của QUTƯ và Bộ Quốc phòng, quá trình nghiên cứu, biên soạn tài liệu về cách đánh máy bay B-52 được tiến hành từ sớm. Tháng 1-1969, Quân chủng PK-KQ biên soạn tài liệu “Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52”. Mặc dù tài liệu còn đơn giản nhưng bước đầu đã giúp các đơn vị hiểu biết về tính năng, kỹ chiến thuật và những quy luật hoạt động của B-52, cách đánh B-52 trong điều kiện thông thường. Sau đó, QUTƯ, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo và tăng cường nhiều cán bộ tác chiến, huấn luyện để cùng Quân chủng PK-KQ nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung. Tháng 10-1972, tài liệu “Cách đánh B-52” (Cẩm nang bìa đỏ) được biên soạn xong và thông qua Bộ tư lệnh Quân chủng. Tài liệu đã đi sâu giải quyết những nội dung cơ bản về xạ kích, về cách đánh B-52 đạt hiệu quả cao nhất... làm cho cán bộ, chiến sĩ tin tưởng vào khí tài, cách đánh và khả năng bắn rơi tại chỗ B-52.

Cùng với chỉ đạo Quân chủng PK-KQ nghiên cứu cách đánh máy bay B-52, QUTƯ, Bộ Quốc phòng sớm chỉ đạo ngành tình báo quân sự tìm hiểu về âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến của địch; phân tích, đánh giá, dự báo về ý đồ của đế quốc Mỹ sẽ sử dụng máy bay B-52 đánh phá miền Bắc. Cùng với tin tức của điệp báo chiến lược, lực lượng trinh sát kỹ thuật thu thập được nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của không quân địch trong quá trình chuẩn bị đưa B-52 đánh ra Hà Nội. Những tin tức tình báo tin cậy, quan trọng trên là cơ sở để Bộ Quốc phòng, BTTM chỉ đạo lực lượng PK-KQ biên soạn tài liệu, xây dựng kế hoạch, sớm chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu đón đánh B-52 địch.

Cuối năm 1971, Bộ Chính trị và QUTƯ nhận định: “Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng”. Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị: “B-52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng PK-KQ phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”.

Đầu năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam và giành được những thắng lợi to lớn, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Chính quyền Nixon phải “Mỹ hóa trở lại” tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc. Ngày 6-4-1972, đế quốc Mỹ mở đầu bước leo thang chiến tranh phá hoại bằng việc sử dụng không quân đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt, chúng sử dụng cả máy bay B-52 đánh phá Hải Phòng.

Trước tình hình trên, QUTƯ ra chỉ thị kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại mới của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Ngày 28-6, sau khi nghe Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ báo cáo tình hình chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Sắp tới, địch đánh mạnh hơn, ác liệt hơn... B-52 sẽ đánh đêm, gây nhiễu nặng. Vừa qua, ta mới đánh được những trận riêng lẻ, nay ta phải kiên quyết tổ chức những trận hiệp đồng nhiều binh chủng, đánh địch đau hơn nữa, nhất là vào những thời gian cao điểm”.

Đầu tháng 7-1972, BTTM mở hội nghị bàn chuyên đề về đánh B-52. Kết luận hội nghị, đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nhấn mạnh: “Bộ đã sớm có chỉ thị nghiên cứu đánh rơi B-52. Nay tuy giặc lái lo sợ phải bay ra phía Bắc, nhưng Mỹ sẽ đem B-52 đến ném bom ngoài Bắc, kể cả Hà Nội, Hải Phòng... Đối với ta, đánh trúng, đánh rơi B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là một yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao... Khi B-52 ra ngoài Bắc này thì tên lửa, không quân đều đánh tốt hơn, còn dùng cả pháo phòng không 100mm. Radar phát hiện được B-52; cần dùng cả các loại máy cũ như P8 hay 406”. Ngay sau đó, BTTM chỉ thị Quân chủng khẩn trương bổ sung, hoàn thiện phương án tác chiến, huấn luyện bộ đội đánh B-52 trong các tình huống phức tạp.

Như vậy, các chỉ thị của QUTƯ, Bộ Quốc phòng, BTTM đã chỉ rõ: Đế quốc Mỹ sẽ sớm sử dụng máy bay B-52 đánh phá ác liệt miền Bắc, kể cả Hà Nội, Hải Phòng vào ban đêm, gây nhiễu nặng. Đối với ta phải đánh tập trung, kiên quyết bắn trúng, bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 và sử dụng vũ khí nào để đánh B-52... Đây là những chỉ thị, hướng dẫn quan trọng để Quân chủng PK-KQ bổ sung vào tài liệu “Cách đánh B-52” và xây dựng kế hoạch tác chiến.

Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của BTTM, tháng 9-1972, Quân chủng PK-KQ hoàn thành việc xây dựng “Kế hoạch tác chiến phòng không sẵn sàng đánh bại địch tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng”. Cùng với chỉ đạo nghiên cứu cách đánh máy bay B-52, QUTƯ, Bộ Quốc phòng còn chỉ đạo việc tổ chức sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu tập trung để đánh đối tượng chủ yếu là máy bay B-52. Do vậy, khi triển khai đội hình chiến đấu bảo vệ Hà Nội, ta đã cơ động toàn bộ lực lượng tên lửa vào vòng trong theo phương pháp “chốt vòng trong đánh địch trực tiếp bảo vệ mục tiêu” để tập trung nhiều tiểu đoàn tên lửa cùng đánh địch trên một đường bay. Đây là một trong những yếu tố quyết định để Bộ đội Tên lửa bắn rơi 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 chiếc B-52. Toàn bộ 16 chiếc máy bay B-52 rơi tại chỗ đều do Bộ đội Tên lửa bắn.  

Trong thời gian này, Bộ Quốc phòng chỉ đạo BTTM phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành phố để thống nhất việc chỉ đạo xây dựng lực lượng, thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên các địa bàn trọng điểm, nhất là Hà Nội, Hải Phòng; kiến nghị với Đảng, Chính phủ chỉ đạo các cấp ủy và chính quyền địa phương triệt để sơ tán nhân dân ra khỏi vùng trọng điểm; tổ chức lực lượng ở lại duy trì sản xuất, phục vụ chiến đấu. Trong thời gian ngắn, ta sơ tán được 500.000 người ở Hà Nội và gần 300.000 người ở Hải Phòng ra khỏi thành phố để tránh bom đạn địch.

Ngày 24-11-1972, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phê chuẩn “Kế hoạch tác chiến phòng không chống cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận” và chỉ thị cho Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3-12-1972. Ngày 25-11-1972, QUTƯ ra chỉ thị tăng cường sẵn sàng chiến đấu, nêu rõ: “Sắp tới chúng ta cần đề phòng địch có thể có những hành động phiêu lưu quân sự mới. Chúng có thể ném bom bắn phá trở lại từ Vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, đầu mối giao thông... Các đơn vị phải hết sức đề cao cảnh giác, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác sẵn sàng chiến đấu”.

Ngày 27-11-1972, Bộ Quốc phòng nhận định: Địch có nhiều khả năng đánh lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả dùng B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng và ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường chuẩn bị chiến đấu. BTTM chỉ thị: “Nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trước của Quân chủng PK-KQ là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là máy bay B-52 mà tiêu diệt”. Ngày 6-12-1972, BTTM họp với các quân khu, quân chủng, binh chủng, các cơ quan, nhà trường kiểm tra mọi công tác chuẩn bị cho tác chiến phòng không sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, kể cả khi địch sử dụng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.

Theo dõi sát các hoạt động đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao và thông qua các tin tức tình báo, QUTƯ, Bộ Quốc phòng phán đoán chính xác thời điểm đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 ném bom Hà Nội. Ngày 17-12-1972, BTTM lệnh cho Quân chủng PK-KQ và các lực lượng phòng không miền Bắc chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. 16 giờ 30 phút ngày 18-12-1972 (3 giờ trước khi B-52 giội bom xuống Hà Nội), BTTM đã thông báo cho Quân chủng: Có nhiều tốp B-52 cất cánh từ sân bay Andersen, đảo Guam đến đánh miền Bắc. Toàn bộ lực lượng của Quân chủng PK-KQ và lực lượng vũ trang miền Bắc được lệnh báo động chiến đấu. Trước khi chiến dịch bắt đầu, các đồng chí chỉ huy cao nhất của Bộ Quốc phòng đã có mặt tại Tổng hành dinh để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.

Quá trình tác chiến chiến dịch, QUTƯ, Bộ Quốc phòng, BTTM luôn tổ chức theo dõi chặt chẽ hoạt động của địch, của ta để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng tham gia chiến dịch chiến đấu đạt hiệu quả cao. Ngay sau khi ta giành thắng lợi lớn trong trận then chốt mở đầu đêm 18-12, Thường vụ QUTƯ họp và quyết nghị: “Mỹ đã mở cuộc tập kích lớn bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng. Chúng đã sử dụng máy bay chiến lược B-52, đánh ồ ạt, quy mô lớn, ác liệt và sẽ đánh phá liên tục trong một thời gian ngắn. Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang ta, đặc biệt là Bộ đội PK-KQ phải cùng toàn dân quyết tâm đánh bại bước leo thang rất nghiêm trọng của địch”. 

Tiếp đó, BTTM chỉ thị cho Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ: “Bộ đội PK-KQ phải kiên quyết đánh thắng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52, trước mắt phải nhanh chóng rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục mặt còn yếu, phát huy sức mạnh của không quân, quyết tâm tạo thời cơ và bảo đảm tốt cho không quân ta bắn rơi máy bay”. Sáng 21-12-1972, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Thắng lợi của chúng ta trong những ngày qua là rất lớn, cần phải phát huy hơn nữa; từ hôm nay trở đi, địch sẽ tìm và đánh trận địa tên lửa ác liệt, ta phải tìm mọi cách bảo vệ tên lửa để tiêu diệt B-52, phải bảo đảm cho tên lửa đánh liên tục, cố gắng phát huy tác dụng của không quân”.

Sáng 26-12, khi làm việc với Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng kết luận: “Tuy chúng có bị tổn thất, nặng nhất là B-52, bọn giặc lái có hoang mang, lo sợ nhưng bọn cầm đầu chưa chịu thất bại, mà liều lĩnh hơn, tập trung lực lượng đánh lớn hơn vào Hà Nội, Hải Phòng”. Trong hai đêm 27 và 28-12-1972, đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam trực tiếp xuống Sở chỉ huy Quân chủng cùng BTL chỉ đạo Bộ đội Không quân đánh máy bay B-52. Sự chỉ đạo của đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng đã góp phần giúp lực lượng không quân bắn rơi liên tiếp 2 máy bay B-52. 

Tối 29-12-1972, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ động viên cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí nói: “Các anh em đánh giỏi lắm! Bị thất bại nặng nề thế này Nixon sẽ không chịu nổi và sẽ phải sắp ngừng cuộc”. Đại tướng cũng chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân chủng tập trung đạn tên lửa đánh một trận quyết định buộc địch phải ngừng cuộc tập kích vào Hà Nội. Được sự chỉ đạo của Đại tướng Tổng Tư lệnh, BTL Quân chủng PK-KQ chỉ thị Sư đoàn Phòng không 361 đánh những trận cuối cùng, không hạn chế số lượng đạn tên lửa để bắn rơi nhiều B-52 địch. Đúng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bằng trận đánh tiêu diệt chiếc B-52 cuối cùng đêm 29-12-1972, đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược, ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra. Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972 giành thắng lợi to lớn.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của QUTƯ và Bộ Quốc phòng trong công tác chuẩn bị, thực hành Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972, quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ trong tâm thế chủ động và tự tin. Ta chủ động, tự tin vì đã có thời gian dài tìm hiểu về địch, tiến hành các công tác chuẩn bị về xây dựng lực lượng, thế trận, phương án chiến đấu, nghiên cứu cách đánh B-52, huấn luyện cho bộ đội. Trên cơ sở đó, dự kiến chính xác về thời gian, khu vực, mục tiêu đánh phá của địch nên đã chuyển cấp kịp thời đưa toàn bộ lực lượng PK-KQ miền Bắc vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất để đánh địch. Quá trình tiến hành chiến dịch, QUTƯ, Bộ Quốc phòng thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành phố để tiến hành công tác phòng không nhân dân và chỉ đạo các lực lượng tổ chức đánh địch đạt hiệu quả chiến đấu cao. Sự chỉ đạo chính xác, nhạy bén và linh hoạt của QUTƯ, Bộ Quốc phòng là nhân tố quan trọng góp phần quyết định thành công của chiến dịch.

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh, nhất là các loại vũ khí, phương tiện tiến công hỏa lực đường không có tầm bắn xa, độ chính xác cao, uy lực sát thương lớn; phương thức tiến hành chiến tranh của địch cũng có nhiều thay đổi. Trong khi đó, ta chưa có điều kiện trang bị cho Quân đội nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Để đánh thắng các cuộc tiến công hỏa lực đường không quy mô lớn của địch khi chúng xâm lược nước ta, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố. Trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của QUTƯ, Bộ Quốc phòng, BTTM có vai trò đặc biệt quan trọng, cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, chỉ đạo các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, chính trị của Đảng; chủ động nghiên cứu, nắm chắc những biến động tình hình thế giới, trong nước để dự báo và tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng, làm cơ sở để cơ quan tham mưu chiến lược tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra những chủ trương, đối sách phù hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hai là, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, nâng cao khả năng chiến đấu của QĐND Việt Nam.

Ba là, đề ra những chủ trương, biện pháp phát huy cao nhất vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Quân đội; nâng cao giác ngộ chính trị, xây dựng ý chí, bản lĩnh và quyết tâm chiến đấu; xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, niềm tin chiến thắng của quân và dân ta sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của địch khi chúng xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bốn là, từ thắng lợi và kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo điều hành chiến tranh của Đảng, QUTƯ, Bộ Quốc phòng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, QUTƯ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo và đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, chiến dịch phải nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt để tổ chức lãnh đạo, chỉ huy bộ đội trong các hoạt động của đơn vị cũng như trong phòng, chống chiến tranh công nghệ cao của địch (nếu xảy ra).

Năm là, phát huy sức mạnh của thế trận phòng không nhân dân trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhất là trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972, QUTƯ, Bộ Quốc phòng kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra những chủ trương, giải pháp, chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, phòng không toàn quân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

50 năm đã trôi qua, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi mãi là khúc khải hoàn ca âm vang trong tâm trí của các thế hệ người dân Việt Nam nói riêng, của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung. Sự chỉ đạo chiến lược của QUTƯ và Bộ Quốc phòng đối với Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972 là bài học lịch sử quý cho cán bộ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là ở cơ quan tham mưu chiến lược, cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy và vận dụng trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc ở Thủ đô Hà Nội nói riêng, trên địa bàn cả nước nói chung hiện nay và những năm tiếp theo.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo QĐND