Chi cục tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tỉnh: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền
(BDO) Triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật.
Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai văn bản quy phạm pháp luật do Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh tổ chức
Triển khai, hỗ trợ DN
Triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, vừa qua Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai văn bản quy phạm pháp luật
Tại hội nghị, các DN đã nghe báo cáo viên phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, như Nghị định 111 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Thông tư 17 về việc quy định truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Thông tư 32 của Bộ NN&PTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.
Hội nghị cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030; giới thiệu cơ bản về năng suất, các công cụ quản lý, hệ thống quản lý để giảm thiểu lãng phí và nâng cao năng suất, chất lượng. Qua hội nghị, đại diện các DN nắm rõ hơn quy định của pháp luật, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xuất xứ nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm trong SXKD.
Ông Phạm Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Minh Quân, phường Tân Hiệp, TP.Tân Uyên, chia sẻ năm 2016 anh đến với mô hình làm chao. Tuy nhiên, thời điểm đó mô hình sản xuất của anh còn theo lối thủ công, truyền thống. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất anh Chính đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại. Từ khi ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất, công ty đã tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm được nhiều thời gian và chi phí, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Đến nay, số lượng sản phẩm của công ty sản xuất đã gấp 5 lần so với thời điểm chưa ứng dụng công nghệ. Bình quân hiện nay mỗi ngày công ty sản xuất được 10 tấn chao.
“Thông qua hội nghị lần này đã giúp tôi nắm rõ hơn về quy định truy xuất nguồn gốc, học hỏi được thêm về những quy trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như ứng dụng các công cụ quản lý, hệ thống quản lý để giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất”, anh chính cho biết.
Thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ được tỉnh triển khai với quy mô rộng hơn, sâu hơn, đồng bộ hơn. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cho một số DN có tiềm lực, có hoạt động cải tiến tích cực để tạo ra các mô hình điểm, có tính đột phá. Từ đó, tạo động lực lan tỏa cho các DN khác trong ngành, lĩnh vực và địa phương.
Giải pháp về nguồn vốn
Sử dụng khoa học công nghệ (KHCN), áp dụng hệ thống quản lý hiệu quả, công cụ cải tiến năng suất và nghiên cứu đổi mới sáng tạo “chìa khóa” để DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường. Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai thực hiện các giải pháp này vẫn còn hạn chế. Hiện nay, phần lớn DN Việt Nam vẫn là nhỏ và vừa, tiềm lực còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất cho hoạt động KHCN của DN KHCN còn thiếu do thiếu vốn đầu tư hoặc không thuê được đất để xây dựng mở rộng cơ sở SXKD, các DN khởi nghiệp thiếu vốn, khó khăn khi tiếp cận vốn vay.
Tại hội nghị triển khai văn bản quy phạm pháp luật, đại diện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đã phổ biến đến các DN tham dự một số nội dung cơ bản về tôn chỉ, mục đích hoạt động cũng như chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi của quỹ. Đặc biệt là đối với các dự án chuyển đổi số, đầu tư, ứng dụng, đổi mới, nâng cấp, chuyển giao công nghệ trong SXKD theo Quyết định số 1526/ QĐ-UBND ngày 28-6-2022 của UBND tỉnh. Qua đó, giúp các DN nắm bắt và tiếp cận với nguồn vốn của Nhà nước trong hỗ trợ, đồng hành cùng DN thực hiện ứng dụng tiến bộ KHCN vào SXKD; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ